Người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam trong Chương trình EPS được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).
Theo dự thảo, người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc theo Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam trong Chương trình EPS được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Thời hạn cho vay do thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và người lao động, nhưng tối đa không quá 5 năm 4 tháng. Lãi suất cho vay để ký quỹ được áp dụng mức ưu đãi bằng lãi suất tiền gửi ký quỹ.
Về quản lý và sử dụng tiền ký quỹ, dự thảo nêu rõ, đối với trường hợp đã ký quỹ mà có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thì tiền ký quỹ được chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc.
Khoản tiền người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ được xử lý theo thứ tự: Trả khoản vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động đăng ký thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc số tiền còn lại sau khi trả nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Được biết, từ năm 2004, Bộ LĐTBXH ký với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (ký gia hạn 2 năm/lần).
Đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 110.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình này với thu nhập bình quân 1.800 USD/tháng (số lao động EPS đang làm việc hiện có khoảng 30.000 người Chương trình EPS trong tổng số 40.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc). Theo đó, Chương trình đã có những đóng góp tích cực trong tạo việc làm ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình EPS đã phát sinh tình trạng một bộ phận người lao động tự ý bỏ hợp đồng hoặc sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại Hàn Quốc làm việc, cư trú bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện MOU.
Trước thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp, trong đó có giải pháp thực hiện ký quỹ đối với người lao động trước khi đi làm việc.
Ngày 21/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1465/QĐ- TTg về thực hiện thí điểm ký quỹ với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (thời hạn 5 năm). Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc thay Quyết định số 1465/QĐ-TTg.
Theo các quy định này, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài được vay tối đa 100 triệu đồng để ký quỹ (không cần đảm bảo tiền vay).
Trường hợp người lao động bỏ hợp đồng, hoặc không về nước sau khi hoàn thành hợp đồng thì tiền ký quỹ và tiền lãi được chuyển vào ngân sách nhà nước cấp tỉnh nơi người lao động cư trú trước khi đi, để hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương.
Các chính sách, biện pháp để giảm tỷ lệ lao động ở lại bất pháp tại Hàn Quốc, đặc biệt là chính sách ký quỹ (được đưa vào MOU về Chương trình EPS giữa Việt Nam và Hàn Quốc) đã được phía Hàn Quốc đánh giá cao và xem đây là cam kết để nối lại Chương trình vào đầu năm 2014 đồng thời giúp cho công tác quản lý người lao động tại Hàn Quốc, ý thức chấp hành hợp đồng lao động của người lao động đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước hiện giảm xuống dưới mức cam kết và duy trì mức gần 28%.
Theo LĐTĐ