Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ quan tâm đến các quy định về “Thu hồi đất, trưng dụng đất”; đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào các quy định về thu hồi đất những vấn đề mới về tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân có đất bị thu hồi.
Cân nhắc thuật ngữ “Tích tụ đất nông nghiệp”
Số 47, Điều 3 – Giải thích từ ngữ, dự thảo viết: 47. Tích tụ đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua phương thức nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà có thực hiện chuyển quyền sử dụng đất.
Theo giải thích này có lẽ vừa chưa đủ các hình thức chuyển quyền sử dụng đất, vừa chưa phân biệt được bản chất và hệ quả của các hình thức chuyển quyền sử dụng đất. Bởi việc chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp gồm tích tụ và tập trung ruộng đất.
Tích tụ ruộng đất là quá trình nhận chuyển nhượng (mua) quyền sử dụng đất để làm tăng diện tích đất sử dụng, từ nhiều chủ sử dụng thành một chủ sử dụng duy nhất. Người tích tụ có quyền sử dụng đất lâu dài nên yên tâm hơn khi đầu tư phát triển nông nghiệp trên đất đã tích tụ (mua được).
Còn tập trung ruộng đất là sự liên kết nhiều mảnh đất của nhiều chủ sử dụng khác nhau thành khu đất lớn. Nhưng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân vẫn không thay đổi (người cho thuê đất, cho mượn đất hay góp vốn bằng đất vẫn còn quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn thuê, mượn hoặc làm ăn kém hiệu quả, người cho thuê, mượn hoặc góp vốn có quyền lấy lại đất của mình).
– Khoản 1 Điều 83: Đoạn cuối nên bổ sung và viết lại như sau (chữ nghiêng đậm là kiến nghị bổ sung): kế hoạch di dời người dân khỏi khu vực thu hồi đất; kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; kế hoạch tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới cho người dân có đất bị thu hồi.
– Điểm b khoản 1 Điều 85: Đoạn cuối nên bổ sung rõ hơn. Cụ thể là: b) Dự kiến kế hoạch triển khai các bước để thực hiện; dự kiến nhu cầu, khu vực bố trí tái định cư, nhà ở, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự kiến kế hoạch hỗ trợ tạo việc làm mới.
– Điểm d khoản 2 Điều 85: Đoạn 2 nên bổ sung viết lại như sau: Sau khi có phương án bồi thường, tái định cư, tạo việc làm mới, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người đang sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.
– Điểm a khoản 3 Điều 85: Nên bổ sung và viết lại là: a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án tổ chức sản xuất, tạo việc làm mới theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án tổ chức sản xuất, tạo việc làm mới tại Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi.
– Khoản 4 Điều 85: Nên bổ sung và viết lại như sau: Thêm vào cuối điểm a một cụm từ và viết lại: a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương án tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm mới.
– Điểm b khoản 4 Điều 85: Đoạn giữa đề nghị viết đầy đủ là:…; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án tạo việc làm mới đến từng người có đất bị thu hồi…
– Điểm d khoản 4 Điều 85: Đoạn hai nên bổ sung và viết lại đầy đủ như sau: Trường hợp người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được vận động, thuyết phục và đã có phương án hỗ trợ, bồi thường nhưng không chấp hành việc bàn giao đất… …thì… …thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 87 của Luật này.
– Khoản 6 Điều 85: Nên bổ sung như sau: 6. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, và đã có phương án giải quyết việc làm sau khi tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở…
được điều chỉnh thành, được nhận không quá 15 lần (tức là gấp rưỡi so với Luật hiện hành).
Do vậy, cần xem xét lại quy định này vì có điểm chưa sát hợp với thực tế. Ví dụ: đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất không quá 3 ha đối với mỗi loại đất thuộc khu vực Nam Bộ thì mức nhận chuyển quyền hiện tại là không quá 30 ha. Nay đưa lên gấp rưỡi, tức là không quá 45 ha. Các vùng còn lại tương tự như vậy, từ không quá 20 ha lên không quá 30 ha. Các con số 30 hay 45 ha thấp thua xa với thực tế, vì từ năm 2020 ở đồng bằng Sông Hồng đã có chủ đơn vị sản xuất sử dụng trên 100 ha. Ở đồng bằng Sông Cửu Long có đơn vị sản xuất còn có số ruộng đất lớn hơn thế nhiều.
Trong bối cảnh định hướng của chúng ta là tiến lên sản xuất lớn, tập trung, phân công lại lao động, giảm nhanh lao động nông nghiệp và lấy hiệu quả sản xuất làm đầu thì không nhất thiết phải đặt ra hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất. Vấn đề là phải quy định chặt chẽ điều kiện được nhận chuyển quyền và chế tài rõ ràng, cụ thể, hợp lý để không xảy ra tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp./.
TS. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội