Ngày 10/3/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra cuộc thi “Tranh biện Giao thông xanh” giữa sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng vòng thi khu vực miền Nam, ĐH Bách Khoa và ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã xuất sắc lọt vào Vòng Chung kết.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) & Nghề công tác xã hội (CTXH) Việt Nam cùng các trường đại học, cao đẳng tổ chức. Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thêm kiến thức cho sinh viên về giao thông xanh phát thải các-bon thấp – hướng đi bền vững nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc thi, ông Lâm Văn Quản – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN & Nghề CTXH Việt Nam cho biết: “Các đô thị và đô thị lớn đã phát triển mạnh mẽ và nâng lên tầm cao mới từ những năm đầu Thế kỷ 21. Tuy nhiên, các đô thị này cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, phát triển giao thông xanh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở các đô thị”.
Tại Việt Nam, ngành giao thông vận tải đóng góp đáng kể vào tổng lượng phát thải khí nhà kính. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2019 ngành GTVT phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương, dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Ngoài việc phát thải lớn lượng khí nhà kính, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn tạo ra khối lượng lớn vật chất rắn và hạt bụi mịn (PM2.5), có thể gây ung thư và rối loạn hô hấp nghiêm trọng cùng các vấn đề sức khỏe khác cho con người.
Tháng 07/2022, Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí các bon và mê-tan trong ngành giao thông vận tải, nhằm chuyển đổi sang việc sử dụng nhiên liệu sang điện và năng lượng xanh cho tất cả các phương tiện giao thông và thiết bị để đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Theo các chuyên gia, giao thông xanh có thể hiểu là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén… Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là góp phần tham gia giao thông xanh.
Là đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi tại khu vực phía Nam, ông Bùi Văn Trí – Phó hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kỹ nghệ II (HVTC) tại TP Hồ Chí Minh đã thay mặt lãnh đạo nhà trường cam kết sẽ phối hợp tốt với Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các nội dung cuộc thi để lan tỏa tinh thần giao thông xanh góp phần xanh hóa môi trường phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Được biết, sau vòng sơ khảo, có 28 đội từ 21 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc vào các vòng khu vực của cuộc thi. Trong đó, khu vực miền Bắc có 12 đội, khu vực miền Trung và miền Nam đều có 8 đội dự thi.
Ở vòng thi khu vực miền Nam, 08 đội thi từ các trường: Trường CĐ Kỹ Nghệ II, Trường ĐH Đồng Nai, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP. HCM, ĐH Bách Khoa TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM. 02 đội đạt điểm cao nhất sẽ vào Vòng Chung kết diễn ra vào cuối tháng 3 tại Hà Nội với 6 đội tham gia.
Cuộc thi Tranh biện Giao thông Xanh, các đội thi tranh biện theo mô hình Karl Popper. Theo đó, tranh biện gồm đội ủng hộ (3 người) và đội phản đối (3 người). Mỗi lượt thi của một cặp đội kéo dài 34 phút. Ban Giám Khảo sẽ đánh giá các đội thi dựa trên các tiêu chí chấm điểm sau: Phong cách, hướng đến đánh giá khả năng trình bày và phong thái của các thí sinh dự thi.
Trong đó, khả năng trình bày là khả năng làm chủ giọng nói (âm lượng, cao độ, tốc độ nói), độ phụ thuộc vào tài liệu, sự lưu loát; Phong thái là thái độ (thoải mái/căng thẳng), ngôn ngữ cơ thể, biểu đạt bằng mắt; Phương pháp, hướng đến đánh giá kết cấu bài nói và quản lí thời gian.
Kết cấu bài nói phải độ rõ ràng, chặt chẽ, logic của kết cấu bài nói. Bài nói không vượt quá thời gian quy định và mỗi thành viên đều có cơ hội trình bày; Nội dung, hướng đến đánh giá lập luận, dẫn chứng. Trong đó, lập luận phải liên quan đến chủ đề, giải thích logic, tránh ngụy biện và dẫn chứng phải liên quan đến chủ đề, thông tin chính xác, trung thực, sử dụng đúng mục đích chứng minh; Tinh thần đồng đội, hướng đến đánh giá sự phối hợp giữa các thành viên. Đó là việc chuyển người nói tự nhiên, suôn sẻ. Sự tương tác với nhau khi trình bày, thể hiện tinh thần tôn trọng đồng đội.
Cuộc thi cũng là một trong nhiều hoạt động của dự án “Thúc đẩy chuyển dịch bền vững giao thông bằng điện ở Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện chính sách, môi trường cho phát triển giao thông điện ở cấp quốc gia, và thực hiện các hoạt động thí điểm về thúc đẩy giao thông điện tại Việt Nam.
Uyển Nhi