Đầu tháng 3/2023, Sở Xây dựng TP.HCM công khai thông tin chấm dứt hoạt động của 9 sàn giao dịch bất động sản. Trong đó, ngoài 6 sàn giao dịch được Sở Xây dựng công bố trong tháng đầu năm 2023, mới đây cơ quan này cập nhật thêm 3 sàn dừng hoạt động.
Theo thông tin Sở cho biết hiện trên địa bàn TP. HCM có tổng cộng 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1.
Thị trường BĐS trầm lắng quá lâu, nhiều sàn giao dịch phải giải thể
Trước đó vào tháng 10/2022, Sở Xây dựng TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trên địa bàn. Đây là những sàn được đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng tính đến ngày 30/9/2022.
Mục đích của kế hoạch là nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch BĐS. Phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng sẽ đánh giá tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch để phối hợp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Được biết, 3 sàn giao dịch BĐS dừng hoạt động mới nhất là: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (quận 3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (quận 1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land (quận Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.
Trước đó, trong đợt công bố vào tháng 1/2023, Sở Xây dựng đã công bố 5 sàn giao dịch đóng cửa vào tháng 12/2022 gồm: Sàn giao dịch BĐS Wonderland, Q.3 của Công ty TNHH Gia Luật Group; sàn giao dịch BĐS Hiệp Long, Q.Tân Bình của Công ty CP Quản lý và Phát triển Hiệp Long; sàn giao dịch BĐS DPV, Q.3 của Công ty CP Phát triển BĐS DPV; Sàn giao dịch BĐS Milestone Land, TP.Thủ Đức của Công ty TNHH ImPact Investment Consultancy; sàn giao dịch BĐS Trung Thịnh, Q.6 của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trung Thịnh. Ngoài ra, sàn giao dịch BĐS Hoàng Anh, Q.10 của Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh cũng đã chấm dứt hoạt động vào tháng 9/2019.
Lĩnh vực BĐS chiếm gần 10% tổng số việc làm
Từ giữa tháng 5/2022 đến nay, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai các dự án BĐS chưa được tháo gỡ kịp thời, đã và đang khiến thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng.
Sự trầm lắng của thị trường BĐS trong nhiều tháng đã khiến các sàn môi giới lần lượt giải thể, thậm chí có sàn buộc phải dừng hoạt động chỉ sau 8 tháng hoạt động. Doanh nghiệp môi giới BĐS chật vật, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động. Số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, ước tính đạt 80% lực lượng.
Theo công bố của Hiệp hội BĐS Việt Nam, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy lao động, thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…
Lĩnh vực BĐS đã và đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, nên thị trường đang cần sự hỗ trợ và can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước để trở lại đúng quỹ đạo (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, BĐS trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP quốc gia, lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: Xây dựng, ngân hàng – tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp…)
Nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng chỉ ra, khi ngành BĐS tăng thêm 1.000 tỷ đồng, sẽ kích thích giá trị sản xuất của các nhóm ngành còn lại 1.192 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm 311 tỷ đồng. Đối với việc làm, số liệu thống kê chính thức vào năm 2021 có 4.545.000 người làm trong ngành xây dựng, liên quan đến các dự án BĐS và 308.000 người làm trong ngành kinh doanh BĐS.
Những con số trên thể hiện số việc làm trong ngành xây dựng và kinh doanh BĐS ở Việt Nam chiếm gần 10% tổng số việc làm (49 triệu vào năm 2021). Nếu tính tất cả số việc làm ở hệ sinh thái BĐS gồm: Phát triển quỹ đất; xây dựng; vận hành; cải tạo, nâng cấp và tái phát triển… con số sẽ lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên đến nay, theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam thì thị trường BĐS như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển.
Quang Trung