Đó là một trong những ý kiến của ông Rajib Gupta – Chủ tịch Phòng Công nghiệp thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) trong buổi làm việc Kết nối doanh nghiệp từ Phòng Thương mại Calcutta đến thăm TP. Hồ Chí Minh vừa qua.
Theo đó, ông cho rằng từ trong đại dịch Covid -19 sự khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội ở Ấn Độ đều ảnh hưởng không ít. Vì thế, sự kết nối lần này của INCHAM với phái đoàn Calcutta có ý nghĩa rất lớn. Đó không chỉ là sự tìm kiếm cơ hội đầu tư mà còn mong muốn hướng đến sẽ tìm những cơ hội kinh doanh tương tự cho doanh nghiệp Việt Nam khi sang Ấn Độ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam cũng đang gặp phải một số khó khăn, đó là một số sản phẩm của Ấn Độ hiện đang bị áp thuế rất cao, nên không có giá cả cạnh tranh tại thị trường Việt Nam dẫn tới việc rất khó để vào thị trường này. Ngoài ra, nhu cầu của các doanh nhân Ấn Độ mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam là khá lớn nhưng vẫn còn vướng mắc một số trở ngại như xin giấy phép làm việc, xin Visa…
“Tôi hy vọng rằng, thời gian tới Chính phủ Việt Nam có sự chuyển đổi làm sao để rút ngắn quy trình các thủ tục này, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ấn Độ có cơ hội kinh doanh tốt tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hiện họ đang làm rất tốt, và với vai trò là cầu nối, INCHAM mong muốn sẽ xúc tiến hai chiều thật tốt đối với doanh nghiệp cả 2 đất nước .”- Ông Rajib Gupta nói thêm.
Với vai trò là Chủ tịch sáng lập và điều hành Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế (VIENC), ông Đinh Vĩnh Cường cũng cho biết, với Ấn Độ số khách du lịch đến Việt Nam ngày càng gia tăng (hơn 100.000 người), sự gia tăng này không chỉ để du lịch mà còn là tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê thì năm 2022 số lượng giao dịch giữa Việt Nam – Ấn Độ là 15 tỷ USD so với năm 2021 tăng 13,6%, Ấn Độ cũng là quốc gia nhập khẩu số lượng cafe rất lớn từ Việt Nam”.
Quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam – Ấn Độ được thiết lập từ năm 1972, nhưng trên thực tế quan hệ giữa hai nước đã có hơn 2.000 năm tuổi. Bên cạnh đó, quan hệ Ấn Độ – Việt Nam còn là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất mà Ấn Độ có ở Đông Nam Á.
Ấn Độ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược năm 2007 lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Điều này thể hiện cam kết đầu tư nhiều hơn nữa của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á. Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thương mại và có ý định tận dụng thị trường đang phát triển của Ấn Độ.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ lực sang Ấn Độ là điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, nhựa, cao su, cà phê, hạt tiêu và hạt điều. Các mặt hàng Ấn Độ xuất khẩu chính sang Việt Nam là các sản phẩm sắt, thép, nguyên phụ liệu dệt may, thủy sản, ngô, dược phẩm và nguyên phụ liệu, phụ tùng ôtô.
Việt Nam chiếm vị trí trung tâm trong Chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ cũng như trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng lực và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Ấn Độ cũng đã và đang cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN.
Trong khuôn khổ Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC), Ấn Độ đã và đang thực hiện các Dự án hành động nhanh (QIP), mỗi dự án trị giá 50.000 USD, tại các tỉnh của Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng. Ấn Độ có 317 dự án còn hiệu lực trị giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam, đứng thứ 23 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Kishan Kumar Kejriwa – Chủ tịch Phòng Thương mại Calcutta, dù đây là chuyến đi đầu tiên sau đại dịch của đoàn DN Ấn Độ sang Việt Nam thì đây là cuộc khởi động tìm kiếm, mong muốn có được một sự hợp tác lớn hơn. Ông hy vọng sau chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này sẽ có những đúc kết kinh nghiệm và có một sự chuẩn bị tốt hơn cho các kế hoạch đầu tư trong tương lai của các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam.
Được biết, Phòng Thương mại Calcutta là Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp lâu đời nhất không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên toàn Châu Á, được thành lập vào năm 1830. Thành viên của Phòng Công nghiệp Calcutta bao gồm Nông nghiệp, Kỹ thuật, Ô tô, Máy móc nông nghiệp, Thép, Giáo dục, Dệt may, Đay, Chè, Nhựa, Bất động sản, Sản phẩm gia dụng, Giấy, Xuất nhập khẩu & Lĩnh vực CNTT cùng các Doanh nghiệp & Công nghiệp khác.
Uyển Nhi