25/02/2023 1:56:48

Bác sĩ dân tộc Tày và hành trình phát triển đội ngũ Y Bác sĩ vùng cao

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực chuyên môn, Bác sĩ La Đăng Tái – Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang luôn mang theo trăn trở, làm sao để cải thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa ngày một tốt hơn…

Bác sĩ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang

Không “ngại núi e sông” về phát triển quê hương

Tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa ngoại sản trường Đại học Y Hà Nội năm 1990, chàng trai trẻ (dân tộc Tày) La Đăng Tái ngày ấy đã lựa chọn quay về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang (cách TP. Tuyên Quang gần 100km) – vùng đất nơi anh sinh ra để làm việc, thay vì ở lại Hà Nội hay về Bệnh viện đa khoa tỉnh công tác để có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển chuyên môn. Lựa chọn đó đơn giản vì ngay từ trong tâm thức, anh đã nhận thấy đồng bào dân tộc quê mình còn quá thiệt thòi, chưa có điều kiện khám, chữa bệnh thuận lợi như nhiều nơi khác.

Bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở tại Tuyên Quang không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Trung tâm Y tế huyện Na Hang ngày ấy thiếu thốn trăm bề, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đến đội ngũ y bác sĩ cũng vỏn vẹn chỉ có 4- 5 người. “Vùng cao với bao khó khăn, địa hình ngăn sông cách núi, cầu đường chưa có nhiều như bây giờ. Không ít bệnh nhân chết oan trên đường vì không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ La Đăng Tái nhớ lại.

Những trường hợp đó thực sự là nỗi ám ảnh, khiến những bác sĩ trẻ tuổi như anh hình thành khát vọng đổi thay chính mình, phấn đấu phát triển chuyên môn để đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, cấp cứu tại chỗ cho người dân.

Trung tâm Y tế huyện Na Hang với chức năng vừa là bệnh viện với nhiệm vụ thăm khám chữa bệnh và điều trị, vừa là trung tâm y tế dự phòng, phòng chống bệnh tật cho nhân dân. Không “ngại núi e sông”, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ chính là năng lượng tích cực để bác sĩ Tái cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm tổ chức nhiều chuyến đi tự nguyện về với bản làng để giúp dân khám, chữa bệnh. Niềm tin yêu của nhân dân với đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Na Hang chính là sức mạnh tiếp thêm động lực cho những “chiến sĩ áo trắng” nơi núi cao, rừng sâu.

Tổng thời gian bác sĩ La Đăng Tái công tác tại Na Hang tới 25 năm, 7 tháng, trong đó có 10 năm làm công tác quản lý với cương vị là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Kể từ khi làm công tác quản lý, bác sĩ Tái càng nhận thấy Trung tâm Y tế Na Hang cần một bước tiến về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, cũng như cơ sơ vật chất để có thể xử lý những ca bệnh khó, không để tái diễn tình trạng người bệnh tử vong giữa đường do mất thời gian di chuyển lên tuyến tỉnh.

Đội ngũ bác sĩ phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang.

Tuy nhiên, trước đây do thiếu cơ chế chính sách nên việc động viên được các bác sĩ của Trung tâm đi học cũng đã là một thành công. Với vai trò giám đốc, bác sĩ Tái đã tạo điều kiện cho các bác sĩ của Trung tâm đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai.

Được các bác sĩ đầu ngành của Đại học Y và Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội “cầm tay chỉ việc”, chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm ngày càng hoàn thiện. Sau này, cộng thêm nguồn lực hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp và chương trình Việt Nam – Thụy Điển, Trung tâm đã có thể đáp ứng được việc chẩn đoán và điều trị nhiều ca bệnh khó, cải thiện đáng kể việc khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân Na Hang.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bác sĩ Tái bày tỏ niềm vui: “Bây giờ Trung tâm Y tế huyện Na Hang đã có trên 20 bác sĩ được đào tạo rất bài bản. Các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị, chăm sóc bệnh nhân nơi đây rất tốt. Trung tâm còn đáp ứng được cả chạy thận nhân tạo. Các trường hợp cần phải mổ cấp cứu rất tốt (mổ đẻ, mổ chửa ngoài tử cung, mổ tắc ruột, mổ thủng dạ dày, mổ xương, mổ bướu cổ đơn thuần…).  Qua đó, nhân dân vùng cao có điều kiện thuận lợi hơn trong việc khám và điều trị bệnh”.

“Đòn bẩy” thu hút nhân lực y tế về với vùng cao

Gắn bó với cơ sở nhiều năm ở cả hai nhiệm vụ song hành, vừa là bác sĩ, vừa là quản lý, rồi luân chuyển qua làm công tác tại Ban bảo vệ sức khỏe Tỉnh ủy, hiện nay bác sĩ La Đăng Tái đang đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang.

Dù ở cương vị nào, bác sĩ Tái vẫn luôn quan tâm đến đời sống của đội ngũ y bác sĩ cơ sở,  bám sát các cơ chế, chính sách của Bộ Y tế để tham mưu cùng lãnh đạo Sở, HĐND nhằm tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý thu hút nguồn nhân lực trẻ, bác sĩ trẻ về công tác tại cơ sở vùng cao của tỉnh.

Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn, trang thiết bị hiện đại đã được trang bị tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang.

Cùng với dự án 585/QĐtBYT ngày 20/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, sau này đổi thành Quyết định 4359/QĐ-BYT năm 2020 về “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn”, Na Hang có thêm 7 bác sĩ nữa và một số bác sĩ được tham gia học nâng cao trình độ chuyên môn.

Đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực y tế cơ sở tại Tuyên Quang, Phó giám đốc Sở La Đăng Tái cho biết: “Nguồn nhân lực tại các đơn vị y tế của tỉnh đến huyện, xã của Tuyên Quang dần dần đã đáp ứng được số lượng. Tuy nhiên, về chất lượng cần phải đánh giá, rà soát và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn rất nhiều. Chẳng hạn, đào tạo tuyến tỉnh cần phải đào tạo nhiều chuyên khoa. Có những lĩnh vực bệnh viện tỉnh đã bắt đầu làm được nhưng vẫn rất cần được nâng cao chuyên môn nhiều hơn nữa như: Đặt stent tim, mổ thay khớp háng, cấy máy tạo nhịp tim, mổ khối tá tụy…  Tuyến huyện cũng cần phải bắt nhịp với những chuyên môn, công nghệ đó để có thể mở rộng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân”.

Phát triển và đào tạo nhân lực cho ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn luôn là câu chuyện nóng bỏng chưa có hồi kết không của riêng Tuyên Quang. Những năm gần đây, Sở Y tế Tuyên Quang đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang về cơ chế, chính sách đặc thù cho nguồn nhân lực y tế tuyến tỉnh cũng như cơ sở. Để thu hút nguồn nhân lực, bác sĩ La Đăng Tái đã mạnh dạn đề xuất HĐND, UBND tỉnh có chính sách đặc thù, giảm bớt những tiêu chí xét tuyển viên chức đối với nhân lực ngành y tế. Theo đó, Tuyên Quang đã có cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhóm đối tượng này, thay vì phải tốt nghiệp loại giỏi, bác sĩ chỉ cần đạt tốt nghiệp loại khá trở lên là được xét tuyển viên chức (không phải thi) và khi chính thức làm việc sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn nhân lực y tế, đặc biệt sau Covid-19, đội ngũ bác sĩ ở các cơ sở y tế công có xu hướng dịch chuyển ra ngoài làm việc tại bệnh viện tư nhân. Bác sĩ La Đăng Tái cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ mới thu hút và “giữ chân” được nhân sự. Đó chính là tạo cho họ môi trường làm việc với chính sách đặc thù; cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ để họ yên tâm làm việc; quan tâm tới đời sống để họ có thu nhập tốt cũng như tạo cơ hội thăng tiến.

Thu Thủy