Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân ở các khu nhà chung cư cũ nguy hiểm trước mùa mưa bão sắp đến, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ di dời dân tại các chung cư cũ cấp độ D để sớm cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ này.
Quận đã đo đạc hiện trạng xong, được Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định bản đo đạc. Hiện đang lập dự toán quy hoạch chi tiết. Dự kiến 20/2/2023 trình thẩm định và phê duyệt. Tháng 4/2023 lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết.
Đối với đơn nguyên 1 nhà A tập thể Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, xây từ năm 1980, UBND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định phê duyệt 27 phương án hỗ trợ di dời tạm cư đối với 27 hộ dân, với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 955 triệu đồng. Đến nay, 27/27 hộ gia đình đã bàn giao căn hộ cũ, nhận tiền hỗ trợ và nhận nhà tạm cư, gồm 26 hộ nhận nhà tạm cư, 1 hộ nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở.
Đối với khu này, UBND quận Ba Đình đã đo đạc hiện trạng, xin cấp chỉ giới đường đỏ đối với cụm chung cư A, B, D tập thể Ngọc Khánh; đang thực hiện xây dựng cơ cấu quy hoạch và tổng mặt bằng cụm chung cư A, B, D tập thể Ngọc Khánh (có nhà A thuộc diện nguy hiểm cấp D) để trình Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận trước nhằm kêu gọi nhà đầu tư triển khai xây dựng lại cụm chung cư nêu trên.
Dự kiến, 10/2/2023 UBND TP. Hà Nội sẽ phê duyệt dự toán cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ này. Tháng 3/2023 lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch chi tiết.
Đối với đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Tập thể Thành Công, phường Thành Công, xây từ những năm 1960-1970, với số tiền hỗ trợ gần 1.071 tỉ đồng. Hiện mới chỉ có 26/49 hộ đồng thuận nhận nhà tạm cư và bàn giao căn hộ.
Bảo vệ an toàn cho người dân trước mùa mưa bão
Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, với quyết tâm sớm di dời những hộ dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm để bảo vệ an toàn cho người dân, nhất là khi sắp vào mùa mưa bão.
Đối với những hộ dân sinh sống trong nhà cấp độ D chưa di dời, UBND quận giao các phường, tổ chức đoàn thể khẩn trương vận động, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch cưỡng chế di dời nếu các hộ cố tình không thực hiện.
Còn đối với những hộ gia đình di dời đến nơi ở tạm hoặc nhận tiền hỗ trợ tự lo chỗ ở cần phải được hoàn tất thủ tục nhận hỗ trợ, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Những người dân ở 4 chung cư cũ cấp độ D phải di dời khẩn bao gồm 136 căn hộ được bố trí ở tạm tại: Nhà cao tầng lô E Yên Hòa, Cầu Giấy (100 căn); nhà A1-A2 Phú Thượng, Tây Hồ (27 căn); nhà X2 Phú Thượng (20 căn); nhà CT1 Khu đô thị thành phố giao lưu – quận Bắc Từ Liêm (16 căn).
Bà N.T.M, 56 tuổi, cư dân tại đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ đã hoàn thành việc di dời cho biết, gia đình bà gồm 6 người. Do các con cháu bà đều đang đi học và làm việc ở gần nhà, nên gia đình bà đã lựa chọn phương án nhận tiền hỗ trợ để tự lo chỗ ở. Bà M và gia đình được hỗ trợ tiền di dời chuyển nhà, tiền gạo và riêng tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/1 tháng trong vòng 2 năm.
Căn nhà tại chung cư cũ ở C8 Giảng Võ của gia đình bà M có tổng diện tích là 39m2. Khi nhận được tiền hỗ trợ, bà M và gia đình thuê một căn chung cư ở gần khu nhà chung cư cũ với diện tích gần 50m2. Các loại tiền điện, nước nhà bà phải tự chi trả tiền tiêu thụ đối với hộ gia đình.
Cũng là cư dân tại đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ, gia đình ông P.D.T, 68 tuổi lại chọn phương án di dời đến nhà tạm ở A1-A2 Phú Thượng, Tây Hồ. Ông T cho biết, gia đình ông đã yên tâm chuyển đến chỗ ở tạm. Những ngày qua sống trong căn hộ ở chung cư nguy hiểm cấp độ D khiến ông không khỏi lo lắng. Trước đây đã có lúc ông từng nghĩ đến việc bỏ tiền ra ngoài thuê nhà nếu không được hỗ trợ tiền. Nhưng nay được nhà nước hỗ trợ chỗ ở, tiền di dời ở tạm ông T rất phấn khởi.
Ông T cho biết, các hộ gia đình được nhận tiền hỗ trợ dựa trên tổng số người trong sổ hộ khẩu. Trong quá trình di dời, do gia đình chỉ có 2 vợ chồng đã cao tuổi, nên gia đình ông đã được người dân xung quanh và những người làm việc ở phường hỗ trợ rất nhiệt tình. Giờ ông T chỉ mong các cơ quan chức năng sớm đẩy nhanh việc xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư cũ, để gia đình ông lại sớm được chuyển về chỗ ở và ổn định cuộc sống.
Thành ủy Hà Nội xác định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết nhằm xây dựng đô thị văn minh hiện đại, góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân nên yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc với quyết tâm cao nhất.
Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ, ngày 3/2/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra thực địa, đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các quận Ba Đình, Đống Đa. Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân…, từ đó thúc đẩy tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo VGP