Với việc áp dụng Mô hình đào tạo 9+, vừa học nghề vừa học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS), Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa đã khẳng định được vai trò trong công tác định hướng nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ của địa phương.
Doanh nghiệp “khát” nguồn nhân lực trẻ
Kể từ năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã ban hành Công văn số 2817/LĐTBXH- TCGDNN hướng dẫn về việc: Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Trên nền tảng đó, “Chương trình đào tạo theo mô hình 9+” đã được Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa thực hiện, thu hút nguồn tuyển và cam kết “đầu ra” cho nguồn nhân lực khá hiệu quả.
Trước đây, nhà trường mới chỉ triển khai ở hình thức đào tạo Trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS, học sinh của nhà trường sau khi học xong từ 3-5 năm, có bằng Trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Tuy nhiên hai năm trở lại đây, với hình thức đào tạo 9+, với thời gian tương đương học sinh tốt nghiệp THCS có thể được học lên chương trình Cao đẳng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa chia sẻ: “ Chương trình 9+ đào tạo cho cả Trung cấp hoặc Cao đẳng liên thông, cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS muốn theo học. Có thể nói, đây là một chương trình ưu việt so với mô hình đào tạo chỉ giới hạn bằng trung cấp trước đây, kỳ vọng mở ra cánh cửa mới cho rất nhiều học sinh có cơ hội học tập và đào tạo nghề ngay từ khi còn rất trẻ. Theo đó, sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ theo học con đường trung cấp để kết hợp song song giữa việc học văn hóa và học nghề, với mục đích sớm gia nhập vào thị trường lao động. Hiện nay, học sinh học chương trình 9+ được tạo điều kiện thuận lợi, giảm 50% học phí, được ở nội trú miễn phí. Nhà trường và doanh nghiệp cùng phối hợp để các em có môi trường thực hành, thực nghiệm, nên hầu hết khi chưa ra trường đã được doanh nghiệp đón nhận, tỷ lệ có việc làm đạt từ 85-90%”.
Là một trong những tỉnh thành đang phát triển mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ qua đào tạo của tỉnh là rất lớn. Ước tính, các doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa cần hàng nghìn vị trí việc làm mỗi năm.
Điều quan trọng, doanh nghiệp đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ được đào tạo như thế này. Về phía nhà trường, hàng năm tuyển sinh được từ 380-420 học sinh học hệ 9+, trong đó chủ yếu là học văn hóa và trung cấp.
Hiện tại, khoa Khoa học cơ bản có tổng số 1.182 học sinh theo học. Học sinh theo học chương trình này được học tất cả các ngành nghề mà nhà trường đào tạo, bao gồm: Điện, Điện tử, Điện lạnh, Công nghệ ô tô, nhóm ngành cơ khí, Công nghệ thông tin, May và Thời trang. Nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý tuyển dụng đào tạo nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng ngay từ khi khai giảng năm học mới.
Hứng thú gia nhập thị trường lao động sớm
Cảm nhận chung của các em học sinh theo học chương trình này là môi trường học tập thoải mái, khác hẳn với học sinh theo học THPT miệt mài với sách vở. Ở đây, các em vẫn được tiếp cận với chương trình học văn hóa của bậc THPT, do Khoa học cơ bản (KHCB) đảm nhiệm.
Hiện nay, khoa KHCB có tổng số 14 giáo viên giảng dạy các môn văn hóa. Các em được học đẩy đủ các môn học theo yêu cầu gồm: ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý… Cùng đó là các môn chung của hệ trung cấp nghề: Tiếng Anh, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và các môn lý thuyết nghề.
Học sinh Trần Hoàng Đông, ngành Công nghệ ô tô cho biết: “Khi theo học chương trình 9+, em rất yên tâm vì vẫn được trang bị những kiến thức cơ bản của bậc THPT và khi tốt nghiệp có cả 2 bằng: Bằng trung cấp và THPT. Chỉ với thời gian 3-5 năm, chúng em vừa học văn hóa, học nghề và được hòa nhập thị trường lao động là mong muốn lớn nhất. Điều đó, giúp chúng em tiết kiệm được nhiều thời gian, được trải nghiệm sớm với nghề và có thu nhập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Trong khi đó, vẫn có thể học thêm thời gian ngắn nữa là có bằng Cao đẳng. Em rất hài lòng với sự lựa chọn này”.
Với chương trình 9+, kỳ cuối các em sẽ được nhà trường giới thiệu thực tập tại các doanh nghiệp. Ở một số ngành nghề, các em được trả lương trong thời gian thực tập, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng ngay khi các em còn chưa tốt nghiệp với mức lương trung bình đạt 5-8 triệu/ tháng, một số nghề khan hiếm nguồn nhân lực doanh nghiệp trả tới 10-12 triệu/ tháng.
Tính riêng năm 2019, nhà trường đã giới thiệu cho 900 học sinh, sinh viên thuộc các hệ đào tạo đi làm, mức lương ổn định.
Hiệu quả từ công tác đào tạo như vậy, nên số học sinh học chương trình 9+ của nhà trường, tiếp tục liên thông lên Cao đẳng chiếm khoảng 50-60% và hiện đang có xu hướng tăng lên. Kết quả tuyển sinh hệ 9+ hàng năm của nhà trường luôn đạt mức cao, trung bình gần 400 học sinh/ năm.
Hiệu trưởng Hùng bày tỏ: “Hiện nay, tâm lý, nhận thức của xã hội về học nghề, đặc biệt là với hệ 9+ đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của nhà trường, đặc biệt là đối với hệ 9+ đã được chứng minh qua nhiều năm nên nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và người học. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn, nhiều gia đình chưa thật quan tâm đến học sinh. Bên cạnh đó, do các em còn ít tuổi, chưa chín chắn trong việc chọn nghề, một số xa gia đình nên dễ sao nhãng, ngại học, lười học. Bởi vậy, hiện tượng bỏ học, nghỉ học vô lý do vẫn còn diễn ra”.
Học sinh học chương trình 9+ có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi: trang bị đầy đủ kiến thức các môn văn hóa theo yêu cầu; học đúng ngành nghề đào tạo; được miễn các môn học chung đã học ở hệ trung cấp; được giảm các đơn vị học trình đã học; tăng thời gian thực hành nghề, đảm bảo sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, đảm bảo tất cả các chế độ chính sách khác theo quy định của nhà nước.
Thu Linh