Thời gian gần đây báo chí và mạng xã hội khá xôn xao vụ việc bà Phạm Thị Yến (Phật tử chùa Ba Vàng, Quảng Ninh) kiện ông Trần Ngọc Thảo, tức Thượng tọa Thích Nhật Từ – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vì cho rằng vị Thượng tọa này đăng thông tin sai về mình lên mạng, gây ảnh hưởng uy tín và danh dự của bà. Xung quanh vụ việc này có các luồng ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng Đức Phật dạy từ bi hỷ xả, tại sao đệ tử Phật lại sân si, tại sao Phật tử lại kiện tu sĩ (!?) Vậy chúng ta nên nhìn nhận sự việc này như thế nào. Hãy cùng điểm lại vụ việc này để rút ra những bài học, hay có những quan điểm cho riêng mình.
Theo bản án sơ thẩm ngày 22/9/2022 của TAND Quận 10 (TP.HCM) thể hiện, trong khoảng thời gian đầu năm 2020, trên 2 kênh Youtube Đạo Phật ngày nay và Thích Nhật Từ Official, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã có những phát ngôn cho rằng bà Phạm Thị Yến bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh “phạt 5 triệu đồng tội truyền bá mê tín”; “UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấm bà (Phạm Thị Yến) không được quyền tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh”… Cho rằng những phát ngôn này của Thượng tọa Thích Nhật Từ là sai sự thật, xúc phạm, gây ổn hại đến hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm, bà Yến khởi kiện ông Trần Ngọc Thảo, yêu cầu phải gỡ bỏ các thông tin sai, đăng tải video ghi lời cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Yến khi cho rằng, bà Yến yêu cầu Thượng tọa Thích Nhật Từ phải xin lỗi về việc đăng thông tin không đúng là “theo ý kiến chủ quan của bà Yến”; không cung cấp được các căn cứ yêu cầu bồi thường về thiệt hại. Cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng và thiếu khách quan, bà Yến kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án để xét xử lại.
Ngày 26/12/2022, vụ kiện tiếp tục được TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm. Theo đó, đại diện theo ủy quyền của bà Yến khẳng định đến thời điểm xét xử bà Yến không hề bị xử phạt như lời của Thượng tọa Thích Nhật Từ nói, vì sau khi bị UBND phường Quang Trung, TP Uông Bí (Quảng Ninh) xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng, bà Yến “đã khởi kiện và quyết định hành chính này đã bị thu hồi”.
Ngược lại, phía đại diện của Thượng tọa Thích Nhật Từ lại khẳng định, các phát ngôn của vị Thượng tọa này đều căn cứ vào thông tin được đăng tải trên các báo, đài truyền hình và đây là những thông tin công khai. Đến nay, chưa có cơ quan báo chí nào đính chính về việc bà Yến được rút quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quá trình phát ngôn, Thượng tọa Thích Nhật Từ có nhầm lẫn về việc bà Yến bị cấm lưu trú “tại chùa Ba Vàng” thành “tỉnh Quảng Ninh” nhưng không nhằm mục đích xúc phạm bà này.
Kết quả, TAND TP.HCM cho rằng cần thu thập thêm chứng cứ để làm rõ thông tin “quyết định xử phạt hành chính đã bị thu hồi” phía bà Yến đưa ra, nên tạm dừng làm việc. Phiên toà sẽ được mở lại vào ngày 13/1/2023 tới đây. Ai đúng ai sai trong vụ việc này phụ thuộc vào quyền phán quyết của tòa án.
Tuy nhiên, về phía người trong cuộc, trước các luồng dư luận xung quanh vụ việc này bà Yến cũng có bài viết gửi các cơ quan báo chí nêu quan điểm cá nhân, chúng tôi xin trích dẫn một phần bài viết của bà Yến dưới đây để bạn đọc tham khảo:
“Người đệ tử Phật có nên dùng chế tài pháp luật không?
Trước khi trở thành Phật tử, tôi cũng là công dân Việt Nam; sau khi trở thành Phật tử, tôi vẫn là công dân Việt Nam. Dù tôi theo đạo Phật hay bất kỳ một tôn giáo nào, quyền công dân của tôi vẫn được pháp luật bảo hộ. Cho nên, xét trên cương vị là công dân, khi bị cá nhân, tổ chức nào xúc phạm, vu khống, gây tổn hại đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của tôi, tôi có quyền hành động pháp lý để cơ quan pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Tính thượng tôn pháp luật thể hiện ở việc ban hành và thực thi pháp luật vào đời sống xã hội phải đúng đắn và công bằng, tạo ra công lý thật sự cho toàn xã hội. Cho nên, công dân có nghĩa vụ phải lên tiếng trước cái xấu để phòng trừ điều tệ hại tiếp theo có thể xảy ra.Cho nên, tôi rất tâm đắc với một câu nói của nhà bác học Albert Einstein: ‘Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt’.
Tôi luôn luôn đề cao tinh thần ‘thượng tôn pháp luật’ và sống đúng pháp luật. Thế hệ đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì quyền công dân của nhân dân Việt Nam, bởi vậy, được sống trong nền hòa bình ngày hôm nay, tôi tôn trọng quyền công dân của mình và quyền công dân của tất cả mọi người, như thế mới không hổ thẹn với sự hy sinh của ông cha.
Phật tử khởi kiện là đi ngược lại với lời Phật dạy về từ bi hỷ xả?
Đạo Phật là đạo nói lên sự thật. Cho nên, dù là từ bi hỷ xả thì cũng không được rời sự thật. Từ bi hỷ xả không có nghĩa là im lặng trước lỗi lầm của người khác, bao che cho lỗi lầm của họ, vì như thế, chẳng khác nào giết chết họ. Ngay trong hiện tại, họ không dừng lại được các việc ác của mình mà gây tạo thêm nhiều việc ác khác, khả năng sẽ chịu bản án trước cơ quan pháp luật. Nhưng nguy hại hơn, trong tương lai, họ sẽ gánh chịu biết bao quả báo khổ đau do chính họ đã gây tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể vì bao che, bỏ qua lỗi lầm của một người, mà khiến cho bao nhiêu người khác phải chịu đau khổ vì chính lỗi lầm của một người gây ra. Như thế, từ bi hỷ xả ở đâu?
Cho nên, từ bi hỷ xả trong đạo Phật là chỉ lỗi cho người có lỗi, giúp họ nhận ra được lỗi lầm của mình, để từ đó họ ngừng việc ác, làm việc thiện và tăng trưởng việc thiện. Đây cũng là tinh thần ‘ngăn ác – diệt ác – sinh thiện – tăng trưởng thiện’ của đạo Phật; tức là nếu việc làm nào của người là bất thiện thì người Phật tử có trách nhiệm giúp cho họ nhận biết và từ bỏ những việc bất thiện đó, không phân biệt người đó là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia.
Đức Phật cũng dạy đệ tử, khi có người nói sai sự thật, hủy báng Phật – Pháp – Tăng, đệ tử Phật cần nói rõ điểm nào đúng sự thật, điểm nào chưa đúng sự thật (kinh Phạm Võng). Là một Phật tử, tôi có bổn phận đảm bảo được giới mà Đức Phật dạy người đệ tử Phật cần thực hành, đó là nói lời chân thật.
Trong sự việc khởi kiện trên, tôi kết hợp cả 2 phương diện, đó là quyền công dân và tinh thần của người Phật tử. Tôi khởi kiện Thượng tọa Thích Nhật Từ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người công dân, để Thượng tọa chấm dứt những phát ngôn sai sự thật về tôi trên mạng xã hội (việc này đã lặp đi lặp lại nhiều lần), khiến Thượng tọa không mắc vào giới nói sai sự thật của người đệ tử Phật. Hành động của tôi cũng là ngăn chặn việc nói sai sự thật của người khác, nằm trong tinh thần từ bi của đạo Phật. Pháp luật và Pháp Phật đều cho phép chúng ta nói lên sự thật. Xã hội xấu đi khi người tốt im lặng trước cái xấu, không dám vạch trần cái xấu. Nếu con người luôn luôn sợ hãi trước sự thật và tìm cách để ngăn che sự thật thì quốc gia không thể hùng mạnh và trong sạch được.
Vụ kiện này, tôi không quan trọng thắng hay thua, mà quan trọng là tôi được thực hiện quyền công dân của mình, được pháp luật bảo vệ và thực hành được lời Phật dạy về giới. Hành động của tôi cũng chuyển tải niềm tin đến cho mọi người rằng: Pháp luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người Phật tử cần phải từ bi chứ không phải nhu nhược. Bản thân tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nói lên sự thật!”
PL (tổng hợp)