31/12/2019 3:39:37

10 sự kiện giáo dục đáng chú ý nhất năm 2019

Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua; công bố sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình phổ thông mới; rốt ráo xử lý hậu gian lận thi THPT quốc gia 2018; nhiều trường đại học Việt Nam lọt top bình chọn của thế giới… nằm trong số những sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2019.

Ngày 14/6/2019 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, thông qua Luật Giáo dục. Theo đó, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều), thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục có 7 điểm mới cơ bản sau đây:

Thứ nhất, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục.

Thứ hai, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi họp báo sáng 4/7/2019 công bố lệnh của Chủ tịch Nước về việc công bố 7 luật, trong đó có Luật Giáo dục vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Thứ ba, bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường.

Thứ tư, quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học.

Thứ năm, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Thứ sáu, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập.

Thứ bảy, quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục.

Quán triệt 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 theo Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 5 ngày 27/12/2018 về triển khai các nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao về hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, với tinh thần quyết tâm từ Trung ương đến cơ sở, năm 2019, Hội Khuyến học đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể:

Số hội viên khuyến học cả nước là 20.017.083, đạt tỷ lệ 21,37% so với số dân trong cả nước (tăng 7,87% so với năm 2018); Số hội cơ sở là: 11.347 (giảm 7,88% so với năm 2018); Số chi hội khuyến học là: 141.766 (giảm 7,39% so với năm 2018); Số ban khuyến học là: 120.362 (tăng 2,5% so với năm 2018)

Nơi có tỷ lệ hội viên cao (so với số dân trong toàn tỉnh) như Hội Khuyến học tỉnh Tây Ninh, Bạc Liêu, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nam, Sơn La, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa…

Đến nay, theo báo cáo của 35 tỉnh, thành phố, hiện có 284 trường (86 trường đại học, 198 trường cao đẳng) đã thành lập các tổ chức khuyến học.

Trong ảnh: Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhân dịp 20/11.

Năm 2019, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã vận động nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ với số tiền trên 7,6 tỷ đồng. Quỹ đã tặng trên 7800 suất học bổng, trị giá trên 7,3 tỷ đồng cho các em học sinh, sinh viên và các thầy cô, giáo; hỗ trợ xây dựng một số công trình khuyến học, trang thiết bị (máy tính, bàn ghế, cây cầu khuyến học, xây dựng trường học…).

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay quỹ khuyến học, khuyến tài có 3.990.405.693.869 đồng, bình quân 42.635đ/người dân, (năm 2018 bình quân 41.296đ/người).

Một số nơi có số tiền quỹ/dân số cao như: Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Long An, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long, Ninh Bình, Tuyên Quang, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bạc Liêu, Hậu Giang và thành phố Hà Nội…

Chiều ngày 22/11/2019, Bộ GD&ĐT công bố các bộ/cuốn sách giáo khoa (SGK) đã vượt qua vòng thẩm định để áp dụng giảng dạy từ năm học 2020 – 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 32 cuốn của 8 môn. Riêng Tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt do “vướng thủ tục pháp lý” (tác giả là người nước ngoài).

Trong 32 cuốn sách, có 5 cuốn Tiếng Việt, 5 cuốn Toán, 5 cuốn Đạo đức, 3 cuốn Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, 5 cuốn Âm nhạc, 5 cuốn Mỹ thuật và 3 cuốn Hoạt động trải nghiệm.

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách, được phê duyệt. Hai NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM, mỗi cơ sở có 4 cuốn, hợp thành một bộ sách hoàn chỉnh.

Buổi họp báo chiều 22/11/2019 công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1. (Ảnh: Mỹ Hà)

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ GD trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới GD phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Về nguyên tắc, các SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường.

Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.

Hiện Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện luật. Căn cứ vào đó UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng chọn sách để sử dụng tại địa phương”.

Trong năm 2018 xảy ra vụ gian lận thi THPT quốc gia với sai phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức, chấm thi. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Có tới 347 bài thi của 222 thí sinh bị can thiệp điểm.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu xử lí vụ việc và khắc phục xử lí sai phạm nghiêm trọng này.

Trong cuối năm 2018 và cả năm 2019, các ngành đã phối kết hợp để xử lý rốt ráo các đối tượng liên quan đến vụ gian lận thi cử này.

Toàn cảnh phiên xét xử vụ gian lận thi cử Sơn La sáng ngày 17/10/2019. (Ảnh: Trần Thanh)

Trong quá trình điều tra vụ gian lận thi cử, hàng chục cán bộ ngành Giáo dục và Công an bị khởi tố. Nhiều bị can trong số này đã bị khai trừ khỏi Đảng. Không chỉ có các bị can, nhiều người khác cũng bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hoặc khai trừ khỏi Đảng) vì nâng điểm, hoặc nhờ nâng điểm cho con cháu trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Đến cuối năm 2019, tại Sơn La có 8 bị can bị truy tố, Hòa Bình có 15 bị can bị truy tố, tại Hà Giang có 5 bị cáo bị tuyên án trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia.

Trong năm 2019, một số lượng học sinh gian lận điểm đã bị cho thôi học tại các trường như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Điện lực, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân, ĐH Phòng cháy Chữa cháy… Bộ Công an trả về cho tỉnh Hòa Bình 28 thí sinh được nâng điểm, loại 25 thí sinh trúng tuyển từ Sơn La sau khi phát hiện gian lận; khối trường Quân đội ra thông báo thôi học cho 7 thí sinh từ Sơn La và Hòa Bình…

Cuối tháng 2/2019, một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt, lo ngại học sinh tại trường ăn phải món thịt lợn nhiễm sán.

Trước sự phản ứng gay gắt của phụ huynh, nhà trường đã tổ chức đối thoại nhưng do chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà trường nên nhiều phụ huynh không cho con ăn bán trú tại trường nữa.

Sau đó, Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường và một số cán bộ liên quan bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra. Khi đó, đã xác định hơn 200 trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn.

Sau khi xác định được các cơ sở giáo dục kí hợp đồng cung cấp thực phẩm với công ty cung cấp thức ăn cho trường Mầm non Thanh Khương, 9.000 học sinh được xét nghiệm sán lợn miễn phí.

Vụ học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh chỉ là vụ nổi cộm nhất trong số nhiều vụ phụ huynh bức xúc về bữa ăn ở nhà trường khi thực phẩm không đảm bảo về chất lượng và số lượng.

Phụ huynh cho con đi xét nghiệm sán lợn tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) sáng 18/3/2019. (Ảnh: Quân Đỗ)

Ngày 18/9/2019, phụ huynh Trường quốc tế Việt Úc cơ sở Sala (quận 2, TPHCM) chụp hình ảnh bữa ăn trưa đạm bạc của con và “tố” nhà trường bớt xén phần ăn của học sinh cho dù phụ huynh phải đóng tiền ăn rất cao. Trường dân lập quốc tế Việt Úc cho rằng đó là do sơ suất trong khâu quản lý và kiểm định về định lượng suất ăn và trường cũng thay quản lý điều hành tại cơ sở Sala.

Trước đó, vào tháng 5/2019, phụ huynh có con học tại cơ cơ sở Sunrise (quận 7, TPHCM) của trường này cũng phản ánh bữa trưa trong phần thức ăn của học sinh có giòi bò.

Sáng 25/11/2019, nhiều phụ huynh đã “vây” cổng trường tiểu học Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) yêu cầu ban giám hiệu nhà trường phải làm việc với phụ huynh liên quan đến suất ăn lèo tèo của con.

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Quyết dịnh số 37/2018/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); Thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Về cơ bản, chất lượng ứng viên năm 2019 khá tốt, năng lực ngoại ngữ có nhiều tiến bộ, hầu hết các ứng viên có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus.

Năm 2019, việc công khai thông tin ứng viên đạt tiêu chuẩn trên trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học và trang thông  tin điện tử của Hội đồng GS nhà nước đã phản ánh tính công khai, minh bạch của quá trình xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS.

Những thông tin phản biện từ xã hội, cộng đồng các nhà khoa học… là nguồn thông tin hữu ích giúp các đơn vị chức năng lựa chọn những ứng viên đủ điều kiện và xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019.

Các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Kết quả, có tổng cộng 424 ứng viên GS, PGS đạt đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, trong đó có 75 ứng viên GS, 349 ứng viên PGS.

Trước đó, theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN), năm 2019 có 98 Hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với 725 ứng viên, trong đó có119 ứng viên GS, 606 ứng viên PGS.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ III của Hội đồng GSNN ngày 11/11/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng GSNN đánh giá cao công tác xét năm nay và cho rằng, Hội đồng GS các cấp đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác xét, đảm bảo chính xác, công bằng, công tâm, khách quan theo hướng nâng cao chất lượng GS, PGS.

Cuối tháng 12/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can trong vụ bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón học sinh ngày 6/8/2019.

Theo đó, hai bị can Nguyễn Bích Quy (SN 1964, nhân viên giám sát trên xe của Công ty Ngân Hà) và Doãn Quý Phiến (SN 1966, lái xe ô tô đưa đón học sinh trường Gateway) bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 1, Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Nguyễn Thị Thủy (SN 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, trường Gateway) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 1, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Từ vụ bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong, dư luận mới giật mình về chất lượng trường “quốc tế”. Tại buổi họp báo ngày 7/8/2019, thông tin về học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe đưa đón nhà trường, ông Phạm Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào gọi là trường “quốc tế” không có trường quốc tế trong quy định. Ông Phạm Ngọc Anh nhấn mạnh tên “trường tiểu học quốc tế Gateway” là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 12/8/2019, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Với các trường trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nhưng cứ đưa thêm vào “mạo danh” quốc tế để thu hút học sinh là sai. Chúng tôi phải yêu cầu các đơn vị này bỏ các từ mạo danh để tránh gây hiểu nhầm cho cha mẹ học sinh”.

Sau khi xày ra vụ học sinh lớp 1 Trường Gateway tử vong, một số trường đã “âm thầm” bỏ chữ “quốc tế” sau khi biết thông tin các cơ quan chức năng sẽ rà soát.

Trong năm 2019, có nhiều trường đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hàng của thế giới, đặc biệt năm 2019 ghi dấu ấn với việc nhiều trường lần đầu tiên lọt vào top các bảng xếp hạng.

Tháng 8/2019, Trường ĐH Tôn Đức Thắng lọt top 1.000 bảng xếp hạng ARWU 2019. Đây là lần đầu tiên một trường đại học của Việt Nam được xếp trong bảng này.

Cụ thể, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp vào top 901 – 1.000 của Academic Ranking of World Universities (viết tắt là ARWU) năm 2019. Đây là bảng xếp hạng thường được biết đến với cái tên là Shanghai Ranking (Bảng xếp hạng Thượng Hải), do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) thực hiện.

Thứ hạng các trường ĐH của Việt Nam trong Bảng xếp hạng thế giới.

Cuối tháng 10/2019, tạp chí U.S. News & World Report (Mỹ) công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu về học thuật – Best Global Universities năm 2020. Theo đó, Việt Nam có hai cơ sở giáo dục đại học lần đầu tiên vào bảng xếp hạng này là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và ĐHQG TPHCM.

Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ).

Theo đó, lần đầu tiên ĐHQGHN và 2 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Cụ thể, ĐHQGHN cùng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801- 1.000 thế giới; tiếp theo là ĐHQG TPHCM trong nhóm 1.000+.

Đầu tháng 9/2019, bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt, Toán đã bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng 1.

Bộ SGK Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục 1 ra đời từ 40 năm trước, trải qua nhiều lần thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia. Trước đó, bộ sách này đã nhiều lần gây “sóng gió” trên công luận vì cách tiếp cận có phần khác biệt SGK phổ thông hiện hành.

Phía GS Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí đánh giá SGK còn cứng nhắc, cơ học. Tại cuộc trao đổi sáng 12/9, GS Hồ Ngọc Đại cho biết sách đã được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương và có 931.000 học sinh đang theo học. Trước câu hỏi liệu ông có tiếp tục chỉnh sửa công trình nghiên cứu của mình, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Tôi không sửa vì công trình ấy tôi đã làm cả đời người.”

Giáo sư Hồ Ngọc Đại – chủ biên bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.

Ngày 23/9, Trung tâm Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Hội đồng thẩm định loại bộ SGK công nghệ môn Toán và Tiếng Việt. Theo đó, cán bộ Trung tâm này bày tỏ sự bức xúc về việc bộ sách bị loại, cũng như bày tỏ tâm huyết với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Ngày 25/9, phản hồi về kiến nghị của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1, Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới và đề nghị thẩm định lại.

Ngay sau khi nhận được ý kiến phản hồi của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, người đại diện cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục cho biết, không thỏa đáng và sẽ tiếp tục gửi kiến nghị lên Chính phủ.

Đầu tháng 10/2019, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào đã tiếp tục gửi thư kiến nghị lần thứ 2 tới Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc bộ SGK Công nghệ Giáo dục bị loại.

Cuối tháng 11/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả và ý kiến chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu kĩ ý kiến của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS.TS Nguyễn Kế Hào và ý kiến của các chuyên gia, dư luận về “Chương trình thực nghiệm”.

Sau khi có thông tin Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung và “Chương trình thực nghiệm”, chiều 22/11/2019, trao đổi với PV Dân trí, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông sẵn sàng đối thoại về các vấn đề trên.

Liên quan đến việc trường ĐH Đông Đô tổ chức tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh khi chưa được phép, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố đối với 5 bị can (Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Đông Đô cùng với 3 cán bộ liên quan) về tội “Giả mạo trong công tác” trong việc đào tạo văn bằng 2.

Sau đó, Bộ GD&ĐT đã chính thức khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2.

Một tấm văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô bị cơ quan công an thu giữ. (Ảnh: Công an cung cấp)

Dù Bộ GD&ĐT khẳng định như vậy nhưng thông báo số 173 ngày 1/4/2015, số 68 ngày 24/2/2016 và số 136 ngày 7/3/2017 của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) gửi trường ĐH Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, 2016 và 2017 lại cho thấy Vụ này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường ĐH Đông Đô lần lượt là 500, 150 và 150.

Hóa ra là Trường ĐH Đông Đô đã không thông qua Vụ Đại học để trình việc xin phép đào tạo mà lại trực tiếp trình Vụ Kế hoạch Tài chính để xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Quá trình duyệt thì Vụ Kế hoạch Tài chính đã không kiểm tra xem trường ĐH Đông Đô đã được cho phép đào tạo văn bằng 2 hay chưa nên mới dẫn đến sai phạm này.

Trong kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vào chiều 4/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, rà soát lại toàn bộ tình trạng đào tạo văn bằng 2, không để xảy ra tình trạng như Trường ĐH Đông Đô và một số trường khác.

Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký quyết định chuyển đổi đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chuyển giao nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng. Việc này có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Theo Dân Trí