Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở đang điều trị cho một bệnh nhân nữ được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Theo lời kể của người nhà, tầm 16h30 ngày 29/11, chị Phạm Thị Ch. có ăn 2 miếng bỏng ngô (do con chị đặt mua trên mạng).
Sau 1 tiếng, chị Ch. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm xác nhận, tối 29/11, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Qua khai thác thì được biết bỏng ngô mà bệnh nhân ăn là loại được con của bệnh nhân đặt mua trên mạng Internet.
Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
TS. Nguyên khuyến cáo, hiện nay có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống.
Trước đó, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô được phát hiện.
Hiện nay, có rất nhiều loại ma túy, không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hàng ngày, liên tục thu hút lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng và nghiện.
Lý do là các loại ma túy đó được đưa vào thuốc lá điện tử chưa bị cấm, các đồ ăn thức uống và ở các tụ điểm giải trí. Việc quản lý mua bán online chưa hiệu quả khiến việc phát tán rất nhanh chóng.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng nhấn mạnh, cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng.
Tuy nhiên, hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được các kẻ xấu thay đổi và tạo mới hàng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp), các phòng xét nghiệm hiện đại của đất nước còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện, nhà nước còn chưa kịp đưa vào danh sách cấm, thì đã có chất mới xuất hiện thêm.
Hiện ngoài một vài phòng xét nghiệm thuộc hệ thống pháp y, khoa học hình sự thì tất cả các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện và tất cả các đơn vị cơ động kiểm tra ma túy nhanh trên cả nước đều không thể xét nghiệm phát hiện các ma túy mới này.
Do đó, tất cả các ma túy này dễ dàng đi qua cửa khẩu hải quan một cách công khai và xâm nhập gây hại cho đất nước.
Có thể nói tất cả các loại ma túy mới ở Việt Nam hiện nay đang thách thức các cơ quan chức năng, yêu cầu phải có sự đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm này.
Ngoài trường hợp nêu trên hiện giới chuyên gia cũng lo ngại về sự xâm nhập của các loại ma túy mới vào học đường khi gần đây, hàng loạt vụ việc học sinh sử dụng ma túy được phát hiện.
Cụ thể, 4 học sinh Trường THPT ở tỉnh Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút; hay tình trạng trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại tỉnh Lâm Đồng; học sinh THPT ở Ninh Bình mua ma túy trên mạng xã hội Facebook về chia ra bán lại cho học sinh trong trường…
Ma túy thế hệ mới đã và đang nguy cơ xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường.
Tình trạng này đang đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng tích cực của các cơ quan chức năng, cũng như sự chung tay, phối hợp của các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Có thể thấy học sinh là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi hình thành và hoàn thiện nhân cách, tâm lý chưa ổn định, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bạn bè cùng lứa tuổi, chủ quan, dễ dao động, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, trải nghiệm những cái mới và thể hiện bản thân.
Từ đó, học sinh trở thành đối tượng mà tội phạm ma túy muốn hướng đến. Không những thế, lợi dụng sự phát triển của internet, tội phạm sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube,… để quảng cáo, môi giới, buôn bán ma túy và tổ chức sử dụng ma túy.
Chính vì vậy, chung tay đẩy lùi ma túy học đường và giảm thiểu tác hại của ma túy không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập học đường cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố là nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo baodautu.vn