17/11/2022 5:42:53

Lao động nữ chịu áp lực, ảnh hưởng lớn dưới tác động của CMCN 4.0

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Lao động, việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số” được tổ chức tại Trường Đại học Công đoàn sáng 17/11.
Toàn cảnh Hội thảo Quốc gia “Lao động, việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số”
Tại Hội thảo, các ý kiến, trao đổi, tham luận đã tập trung làm sáng rõ một số vấn đề lớn như cơ sở lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu lao động, việc làm và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số. Trong đó chú trọng phân tích thực trạng lao động, việc làm của Việt Nam, những điểm yếu, còn hạn chế, hay thời cơ cũng như thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đồng thời, hội thảo cũng đưa ra một số phân tích về những rào cản, nút thắt trong hoạt động giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; qua đó đề xuất các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Kết quả của các trao đổi, thảo luận hôm nay sẽ cung cấp những thông tin, dữ liệu khoa học quan trọng, những căn cứ lý luận và thực tiễn giúp các nhà quản lý xã hội xây dựng và hoàn thiện Chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng hỗ trợ các nhà khoa học, nghiên cứu có thêm thông tin, định hướng tập trung nghiên cứu sâu hơn nữa về vấn đề lao động, việc làm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giúp các thầy cô giáo, giảng viên, học viên, sinh viên có thêm những thông tin dữ liệu mới, khoa học phục vụ hiệu quả hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS. Lê Mạnh Hùng nhận định, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, của thị trường lao động hiện nay. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện nền kinh tế tri thức thời đại mới.
Tuy nhiên, theo TS.Hùng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là những đòi hỏi của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Đặc biệt là trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0 và công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra. Theo đó, việc thiếu nhân lực chất lượng cao sẽ là trở ngại lớn nhất trong hội nhập và phát triển kinh tế.
Lao động nữ chịu áp lực, ảnh hưởng lớn dưới tác động của CMCN 4.0
Trình bày tham luận tại Hội thảo, PSG. TS Đặng Thị Ánh Tuyết – chuyên gia tới từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu đã và đang đem lại những cơ hội lớn cho những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam; nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức do lực lượng lao động hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của nền kinh tế.
Theo PSG. TS Đặng Thị Ánh Tuyết, cuộc CMCN 4.0 đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành mới, tác động đến cung cầu lao động và sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động tại Việt Nam. Trong khi một số ngành bị tác động tiêu cực như năng lượng, chế tạo, dệt may, điện tử,… thì nhiều ngành khác lại có những tác động tích cực, có thêm cơ hội để phát triển như du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng…
Những yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới cũng có nhiều thay đổi, nếu như tiêu chuẩn thường được đưa ra trước đây với người lao động như người tốt, trung thành, chăm chỉ, có trách nhiệm,… đã và đang có xu hướng chuyển thành có tính linh hoạt cao, có tính sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề và có khả năng làm việc với nhiều người.
PSG. TS Đặng Thị Ánh Tuyết trình bày tham luận tại Hội thảo.
Đáng chú ý, theo bà Tuyết, trước những thách thức đang hiện hữu, lực lượng nữ sẽ đứng trước nhiều khó khăn, rủi ro hơn so với nhóm lao động nam. Đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh, bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh (như COVID-19).
Bởi PSG. TS Đặng Thị Ánh Tuyết nhận định, nhìn chung trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhóm lao động nữ thường thấp hơn nam giới. Một bộ phận lao động nữ còn có tình trạng thụ động, thiếu sự tự tin; khả năng tự học, khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc, khả năng tiếp cận các kỹ năng bổ trợ, sử dụng công nghệ thông tin… của nhóm này còn hạn chế.
Vì vậy, bà Tuyết nhận định, việc xây dựng các chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin cần khuyến khích đào tạo nghề cho nhóm lao động nữ. Trong đó có việc phát huy các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia khởi nghiệp… Đặc biệt cần lưu ý nhóm lao động nữ yếu thế, dễ bị tổn thương để có chính sách an sinh thích hợp.
Hội thảo Quốc gia về lao động việc làm… của Đại học Công đoàn đã thu hút được gần 70 bài viết, tham luận, báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia về 2 nhóm nội dung. Trong đó, Phần 1: Lao động, việc làm trong kỷ nguyên số (với 35 bài viết); phần 2: Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số (32 bài viết).

Theo đánh giá của Ban tổ chức, đây là những bài viết, công trình nghiên cứu thực sự chất lượng, cho thấy những góc nhìn rộng, nhưng rất sâu về những vấn đề liên quan đến lao động việc làm, đồng thời chỉ ra thời cơ lớn, và những thách thức không nhỏ trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam.

Tuấn Việt