Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội thế giới, trong đó có Việt Nam. Đứng trước những thách thức đó, Việt Nam đã kịp thời đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hậu Covid-19 và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trước những tác động phức tạp, khó lường từ tình hình dịch bệnh và địa chính trị trên thế giới, Việt Nam cần tìm kiếm nhiều giải pháp hơn nữa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội ngày càng hiệu quả hơn.
-
Những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội thế giới và Việt Nam
-
Những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội thế giới
-
Dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc từ tháng 12-2019 rồi lan ra hầu hết các nước đã làm ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế – xã hội của toàn thế giới:
Thứ nhất, trên thế giới hiện nay, hoạt động sản xuất được thiết kế dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đại dịch Covid-19, khiến nhiều nước phải thực hiện giãn cách xã hội đã gây ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, gây ra tình trạng gián đoạn cục bộ, khiến cho đầu vào của sản xuất bị thiếu hụt, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và lao động toàn cầu không thể thông suốt và hiệu quả. Tình trạng trên dẫn đến hoạt động kinh tế – xã hội thế giới không thể bình thường chứ chưa nói đến tăng trưởng và phát triển.
Thứ hai, do giãn cách xã hội và hoạt động kinh tế – xã hội thế giới bị ảnh hưởng cũng khiến cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và xã hội suy giảm, ảnh hưởng nhiều nhất đến các lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Do vậy, những nước có nền kinh tế dựa vào du lịch và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thứ ba, do đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp, mặc dù, các quốc gia đã và đang khẩn trương tiêm vacxin phòng chống dịch cho cộng đồng, tuy nhiên, dịch bệnh cũng khiến các nhà đầu tư giảm bớt nhiệt huyết trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh… Điều này đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực thu hút, kêu gọi dòng vốn đầu tư từ phía các doanh nghiệp, từ đó, khó khăn trong việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Thứ tư, hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục… giữa các nước thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch hầu như bị ngưng trệ. Ở nhiều nước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sản xuất, hợp tác sang nước khác. Điều này làm đứt gãy, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội ở các nước mà hoạt động hợp tác quốc tế bị gián đoạn, đặc biệt là ở các quốc gia có độ mở cao.
-
Những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế – xã hội Việt Nam
Hiện nay, nền kinh tế – xã hội Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Vì vậy, khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19 đã khiến cho kinh tế – xã hội Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Covid-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động:
Một là, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng sụt giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 và nếu loại trừ yếu tố giá thì còn giảm mạnh hơn, ở mức 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019[1]. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2021 ước tính đạt 339.400 tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước[2]. Những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống như lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng; nhưng những mặt hàng như may mặc, phương tiện đi lại, văn hóa phẩm, giáo dục… có tốc độ giảm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 53,2% – đây là lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh Covid-19 và từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội[3]. Chịu tác động nặng nề nhất trong năm 2021 là du lịch lữ hành với mức tăng trưởng âm, lên tới 59,9% chủ yếu do lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 157,3 nghìn lượt khách, bằng 4,1% so với cùng kỳ. Cũng cần nhớ lại rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 cũng chỉ đạt 3,8 triệu lượt khách (bằng 21,3% so với con số 18 triệu lượt khách năm 2019)[4].
Hai là, nhu cầu đầu tư của 2 khu vực: Khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI sụt giảm.
Khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư khu vực FDI giảm mạnh nhất, từ tăng trưởng 9,7% 6 tháng đầu năm 2019 xuống tăng trưởng âm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020; tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước sụt giảm từ 16,4% 6 tháng đầu năm 2019 xuống còn 7,4% năm so với cùng kỳ năm 2020[5]. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước[6].
Ba là, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động.
Trong ngành công nghiệp ô tô, do linh kiện đầu vào khan hiếm cùng với thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước như Honda, Nissan, Toyota, Ford, Hyundai… phải tuyên bố tạm dừng sản xuất, chỉ đến khi thời kỳ giãn cách xã hội kết thúc và chuỗi cung ứng được kết nối trở lại, các doanh nghiệp sản xuất ô tô mới quay trở lại hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia người nước ngoài và người lao động nước ngoài chịu tác động nặng nề từ Covid-19 khi nguồn cung lao động bị thiếu.
Bốn là, đại dịch Covid-19 tác động làm tăng tỷ lệ nghèo và cận nghèo về thu nhập và làm sụt giảm thu nhập tạm thời của hộ gia đình và người lao động.
Theo kết quả khảo sát của UNDP và UN WOMEN (2020), trong tháng 12-2019, trung bình tỷ lệ hộ nghèo là 11,3%. Tỷ lệ này tăng lên tới 50,7% trong tháng 4-2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo tăng từ 3,8% vào tháng 12-2019 lên 6,5% vào tháng 4-2020. Quan trọng hơn, những hộ gia đình thuộc nhóm dân tộc thiểu số và hộ gia đình có lao động phi chính thức và gia đình những người nhập cư chịu tác động từ dịch bệnh lớn hơn[7]. “Đánh giá nhanh của Viện khoa học xã hội Việt Nam gần đây cũng cho thấy tính đến tháng 7/2021, gần 64% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019)”[8]. Đại dịch Covid-19 đang khiến cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều năm qua gặp phải những thách thức mới. Tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập do Covid-19 tác động mạnh hơn tới các nhóm thu nhập thấp, không có hoặc ít tích lũy, không tiếp cận được lưới an sinh xã hội. Thực trạng này là nguy cơ tăng thêm người nghèo mới hoặc tái nghèo.
-
Thành tựu và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu Covid-19
Để ứng phó với tác động đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nhìn chung, những chủ trương, chính sách mà Việt Nam đã ban hành trong thời gian qua là rất hiệu quả và khả thi. Các giải pháp luôn có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách hỗ trợ ngành, địa phương và an sinh xã hội. Các chính sách được thực hiện kịp thời với chi phí thấp, vì vậy, không ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, bảo đảm dư địa trong cân đối ngân sách, tài khóa để xây dựng và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả, đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm 2020 và 2021, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước trong trung và dài hạn, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh tính hiệu quả, tích cực của các chính sách, giải pháp đã ban hành, trong quá trình tổ chức thực thi cũng cho thấy một số vấn đề đang đặt ra như sau:
Một là, một số văn bản pháp luật còn chưa hoàn thiện, việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số biện pháp chống dịch còn chưa kịp thời, việc triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời, hiệu quả tổ chức thực hiện một số chính sách chưa cao.
Hai là, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan và địa phương chưa cao do áp dụng điều kiện, tiêu chuẩn còn cao, quy trình, thủ tục thiếu linh hoạt. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30-9-2022 đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%)… Cá biệt còn có 14 bộ, cơ quan và địa phương có kết quả giải ngân dưới 20% kế hoạch[9].
Ba là, thông tin, hướng dẫn chưa kịp thời đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã khó tiếp cận, chưa phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.
Bốn là, nhiều khó khăn tích tụ đến nay không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà trở thành vấn đề chung của ngành, lĩnh vực. Một số chính sách hiện nay còn mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế, chính sách có quy mô lớn, dài hạn, tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể còn chưa nhiều.
Năm là, một số chính sách về an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động đã ban hành kịp thời nhưng quá trình triển khai vẫn còn hơi chậm, chưa thực sự công bằng, một số cán bộ, địa phương lợi dụng các chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch để trục lợi vẫn còn tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân.
- Một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu Covid-19
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc – xin cho toàn dân, phòng chống dịch bệnh, cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội như:
Thứ nhất, cần kiểm soát tốt, đảm bảo vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn trong nền kinh tế; chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách.
Trong thời gian tới, cần kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm vĩ mô, cần thường xuyên chủ động rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu khai thác khoáng sản, vãng lai, thu từ tiền sử dụng đất đối với các dự án chưa nộp. Triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên dành nguồn chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi hành chính, hội họp, đi công tác; đồng thời, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch và tăng chi tiêu cho an sinh xã hội.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và nâng cao tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.
Để khắc phục các bất cập trong các quy định về pháp luật, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và nâng cao tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, qua đó, khẩn trương xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các quy định không cần thiết, không hợp lý, cản trở hoạt động sản xuất – kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy phục hồi kinh tế và gia tăng sức chống chịu sau đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh là điều quan trọng, bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư. Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi. Do đó, ở đâu có quy định pháp luật hiệu quả, dự đoán được, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thúc đẩy cạnh tranh; có thể chế bảo đảm bảo vệ tài sản và các quyền giao kết hợp đồng thì ở đó, dễ dàng khởi sự kinh doanh, thích nghi với các quy định mới và nhanh chóng chuyển dịch các hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Để cải thiện môi trường kinh doanh thì yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng sửa đổi ngay những điều kiện kinh doanh đang gây khó dễ cho doanh nghiệp và triển khai đầy đủ, nghiêm túc những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành nhằm tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới.
Thứ tư, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong thời gian tới, cần hoàn thiện thủ tục đầu tư, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm, dự án khởi công mới. Trong thực hiện cần chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thanh toán vốn cho dự án ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định; chủ động điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Bên cạnh đó, cần khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Thứ năm, tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế.
Các địa phương triển khai các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển mạnh sản xuất kinh doanh sau dịch; tận dụng cơ hội có được từ các kết quả bước đầu trong trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu.
Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân; nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, bảo đảm nguồn nhân lực… cho các ngành kinh tế để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, từ đó, thúc đẩy kinh tế – xã hội ở các địa phương cùng phát triển.
Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa phát triển thị trường lưu thông hàng hóa, triển khai các chính sách đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ; Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xuất khẩu bền vững.
Thứ bảy, tăng chi cho an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Các địa phương cần rà soát và có chính sách hỗ trợ phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương như lao động phi chính thức và đối tượng thất nghiệp; hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục cho người lao động vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội… Việc triển khai các hỗ trợ cần phải linh hoạt hơn để đảm bảo tiền hỗ trợ được chuyển nhanh chóng và kịp thời đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động; nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề chất lượng cao… để góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Thứ tám, tăng tốc, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nếu như đại dịch Covid-19 là thách thức đối với nhân loại 100 năm mới xảy ra một lần thì chuyển đổi số mang lại cơ hội thay đổi cho nhân loại chưa từng có tiền lệ trong khoảng 100 năm nay. Công nghệ 4.0 khởi nguồn và hội tụ những nền tảng sẵn sàng cho chuyển đổi số; đại dịch là một cú sốc lớn nhưng đúng là “trong nguy có cơ”, đây lại là một sức ép tích cực vì việc vượt qua đại dịch đã góp phần đẩy nhanh quá trình đó[10]. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành nhiều hơn các chính sách quản lý phát triển nền kinh tế số, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn vào sản xuất, kinh doanh, tạo cơ sở cho việc triển khai trên thực tế các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới, tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử, công nghệ tài chính (FinTech)… Song, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia cần tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và triển khai các chính sách thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu Covid-19./.
Tài liệu tham khảo thêm:
-
Dương Văn An, Phục hồi kinh tế – xã hội hậu đại dịch Covid-19 – Một số giải pháp của tỉnh Bình Thuận, https://baobinhthuan.com.vn, ngày 18-2-2022.
-
Trần Linh Huân, Lê Phạm Anh Thơ, Trần Minh Thiện, Cơ hội, thách thức đối với tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam và định hướng hoàn thiện, https://tapchinganhang.gov.vn, ngày 19-5-2022.
-
Nguyễn Thanh Huyền, Giải pháp giúp phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, https://tapchitaichinh.vn, ngày 06-03-2022.
-
Phan Tiến Ngọc, Chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam sau tác động của đại dịch Covid-19, http://lyluanchinhtri.vn, ngày 01-7-2022.
-
Nguyễn Hồng Thắng, Gợi ý chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam hậu Covid-19, https://mof.gov.vn, ngày 26-10-2020.
-
Lương Nguyễn Minh Triết, Các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 20-07-2022.
[1] Xem: GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Tác động của đại dịch Covid-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 23-09-2020.
[2] Xem: Ánh Ngọc, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm gần 20% do dịch Covid-19, https://kinhtedothi.vn, ngày 02-8-2021.
[3] Xem: GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Tác động của đại dịch Covid-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 23-09-2020.
[4] Xem: Nguyễn Việt Phong, Ngành dịch vụ giữa mùa dịch và triển vọng trong năm 2022, https://consosukien.vn, ngày 15-02-2022.
[5] Xem: GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Tác động của đại dịch Covid-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 23-09-2020.
[6] Xem: ThS. Trần Trọng Triết, Giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thu hút nguồn vốn lớn FDI trước khó khăn do Covid-19, https://www.qdnd.vn, ngày 03-10-2021.
[7] Xem: GS, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Tác động của đại dịch Covid-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 23-09-2020.
[8] Hồng Kiều, Mất việc làm và giảm thu nhập do Covid-19 đang làm gia tăng nghèo đói, https://www.vietnamplus.vn, ngày 22-10-2022.
[9] Xem: Hồng Sơn, Ngô Hương, Dồn sức giải ngân vốn đầu tư công, http://www.hanoimoi.com.vn, ngày 11-10-2022.
[10] Xem: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chuyển đổi số: Động lực phục hồi và phát triển hậu Covid-19, https://nhadautu.vn, ngày 30-1-2022.
TS. Trần Thị Ngọc Minh – TS. Nguyễn Thị Hồng Lâm