Phía đông thành phố
Theo kết quả của nghiên cứu Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018, các nguồn phát thải bên ngoài Hà Nội có thể đóng góp 2/3 nồng độ ô nhiễm bụi siêu mịn PM2.5 ở thủ đô.
Chất lượng không khí ở Hà Nội mấy ngày qua xuống thấp đáng báo động |
Các mô phỏng được thực hiện vào năm ngoái đã minh họa rõ nét hơn ảnh hưởng của các vùng lân cận đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội, trong đó các cụm công nghiệp và nhà máy điện than ở phía đông của thủ đô được cho là có ảnh hưởng lớn.
Mô hình trên được công bố trong Báo cáo Chất lượng Không khí 2018 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), một tổ chức phi lợi nhuận của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Theo đó, trong những ngày không khí Hà Nội ô nhiễm nhất, gió luôn thổi tới từ phía đông, còn khi Hà Nội có không khí ít ô nhiễm nhất, gió thường đến từ phía bắc hoặc phía nam.
Cụ thể, trong năm 2018, trong tất cả 167 lần mà nồng độ bụi PM2.5 (đo được ở ĐSQ Mỹ) tăng đột biến (vượt quá 100 microgram/m3, kéo dài ít nhất 3 giờ), Hà Nội đều có khối khí thổi từ phía đông.
Còn trong 169 lần mà không khí Hà Nội ít ô nhiễm nhất (dưới 10 microgram/m3, kéo dài ít nhất 3 giờ), 41% số lần có khối khí thổi từ hướng bắc, và 59% số lần có khối khí thổi từ hướng nam, thay vì đi qua cụm công nghiệp phía đông Hà Nội.
Cả hai lần chạy mô hình vào năm 2017 và 2018 cho kết quả tương đồng. Kết quả được công bố trong Báo cáo chất lượng không khí năm 2017 và 2018 của GreenID.
Nói cách khác, có sự tương quan giữa những lần có khối khí thổi tới Hà Nội từ hướng đông và những giai đoạn ô nhiễm PM2.5 tăng vọt. Báo cáo năm 2018 của GreenID cho rằng nguồn phát thải ảnh hưởng tới chất lượng không khí của Hà Nội là hai cụm công nghiệp quanh thành phố: thứ nhất là các khu công nghiệp và nhà máy nhiệt điện ở phía đông (Hải Phòng, Quảng Ninh) và thứ hai là các khu công nghiệp nặng, ximăng, hóa chất ở phía nam (Ninh Bình).
Bên trong nội thành
Khi Hà Nội lần đầu công bố 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, “khí xả thải từ ôtô, xe máy” là thủ phạm đầu tiên được liệt kê.
Quá trình đốt nhiên liệu xăng, dầu diesel từ động cơ khi phương tiện giao thông vận hành sản sinh ra cacbon monoxit (CO), oxit nito (NOx), lưu huỳnh dioxit (SO2), hơi xăng dầu (Cn Hm, VOCs ), bụi PM10, bụi đường (TSP)… Đây đều là các thành phần gây ô nhiễm không khí.
Các phương tiện giao thông là nguồn phát khí thải đáng kể |
Xe máy chủ yếu phát thải các chất CO, VOC, TSP. Còn ôtô là thủ phạm chính sinh ra SO2, NO2. Trong khí thải có CO, có thể gây ngạt thở với nồng độ cao. Chất NO2 gây xơ hoá phổi, dễ diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Khí độc NOx không tốt cho những người có tiền sử về hô hấp.
Hai năm trước, khi “không khí Hà Nội đã ở mức báo động đỏ”, thành phố cũng xác định ô nhiễm phần lớn đến từ nguồn xả thải ôtô, xe máy. Lãnh đạo thành phố khẳng định địa bàn đang có “2,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000”. Chính quyền cố gắng thông qua đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào kỳ họp HĐND tháng 6/2017, tiến tới thu hồi xe máy quá đát vào đầu năm 2018. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, Hà Nội đã bỏ nội dung này khỏi đề án do “còn nhiều vấn đề”.
Việt Nam hiện chỉ có quy định về khí thải và niên hạn với ôtô. Xe máy chiếm số lượng lớn lại chưa có chế tài quản lý cụ thể, không có niên hạn sử dung. Cơ quan kiểm định chỉ kiểm tra đầu ra với xe xuất xưởng, gồm lượng khí thải cùng các tiêu chuẩn khác, đạt thì cấp chứng nhận sử dụng.
“Cảnh sát giao thông gần như không thể xử lý được trường hợp xe máy, ôtô xả khói đen trên đường. Vì việc này không chỉ cảm nhận bằng mắt thường được mà phải có dụng cụ, máy đo các chỉ số ô nhiễm”, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông nói. Lực lượng chưa được trang bị máy móc để làm việc này.
Các thanh tra giao thông vận tải – cơ quan được phép xử phạt xe xả khói vượt quá quy định cũng bị vướng mắc khi xử lý. Họ không có phương tiện kiểm tra và kiến thức chuyên sâu về khí thải.
Phóng viên (t/h)