12/09/2022 8:10:03

Hôm nay, Chính phủ sẽ họp xem xét khả năng đầu tư một số cảng hàng không

Hiện có khoảng 10 cảng hàng không, sân bay, bao gồm cả sân bay quân sự đang được các địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư theo hình thức PPP.

Sân bay Côn Đảo

Hôm nay (12/9), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành sẽ chủ trì cuộc họp về khả năng đầu tư khai thác hàng không dân dụng một số cảng hàng không, sân bay.

Tham dự cuộc họp, ngoài lãnh đạo các bộ ngành trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn có chủ tịch UBDN 13 tỉnh, thành phố có nhu cầu xem xét đầu tư để nâng cao năng lực khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay hiện hữu hoặc đầu tư mới, trong đó có những cái tên rất đáng chú ý như: Lai Châu, Sơn La, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai hoặc xem xét khả năng đầu tư 4 cảng hàng không mới gồm: Sa Pa – Lào Cai; Phan Thiết – Bình Thuận; Quảng Trị; Lai Châu và nâng cấp 7 cảng hàng không hiện hữu theo hình thức PPP gồm: Nà Sản – Sơn La; Thọ Xuân – Thanh Hóa; Chu Lai – Quảng Nam; Liên Khương – Lâm Đồng; Cần Thơ; Côn Đảo – Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét đến khả năng đưa một số sân bay quân sự vào quy hoạch, đầu tư, khai thác lưỡng dụng gồm: Thành Sơn – Ninh Thuận; Biên Hòa – Đồng Nai và Gia Lâm – TP. Hà Nội.

Trong báo cáo rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa,…) trong trường hợp đủ điều kiện” trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 “nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch đường cất cánh số số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh trong dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch.

Như vậy, theo đề xuất mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn 2021 – 2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 02 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM, hình thành 28 cảng hàng không bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo);

Cũng trong giai đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh đó, hồ sơ quy hoạch để vẫn để mở cho việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng: quy hoạch, xây dựng cảng hàng không, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý,…), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; quy hoạch đường cất hạ cánh số 3 tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa,…) trong trường hợp đủ điều kiện.

Về tầm nhìn đến năm 2050, hồ sơ quy hoạch kiến nghị hình thành 31 cảng hàng không, bao gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 17 cảng hàng không quốc nội (thêm sân bay Cao Bằng và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội).

Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, sẽ được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn.

Theo baodautu.vn