26/08/2022 7:15:24

“Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công, bền vững”

Đó là một trong những nội dung của QĐ 1970/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án xác định Bộ chỉ số đánh giá mức độ CĐS Doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy Doanh nghiệp CĐS đã được TS. Phạm Huy Hoàng – Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin (ATTT) phía Nam trình bày tại Hội thảo và Triễn lãm quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022, với chủ đề “ Bảo vệ tài nguyên số và Chiến lược an toàn, an ninh mạng trước thách thức toàn cầu mới”, diễn ra ngày 26/08/2022 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Khách mời tọa đàm 

Chương trình do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA)- Chi hội phía Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) – Cục An toàn thông tin – UBND Tp.Hồ Chí Minh – Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Hồ Chí Minh đồng tổ chức.

TS. Phạm Huy Hoàng – Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Phạm Huy Hoàng – Phó Chủ tịch Chi hội ATTT phía Nam đã nói, “ngày 10/08/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của chiến lược an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; nhấn mạnh quan điểm phải phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam và đội ngũ chuyên gia xuất sắc để trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng”.

Cũng trong năm 2022, về CĐS, Bộ TT&TT cũng đã ban hành quyết định quan trọng là QĐ 922/QĐ-BTTTT về phê duyệt Đề án xác định Bộ chỉ số đánh giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Quốc gia.

Chính phủ khẳng định trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia rằng “ Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về CNTT đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT&TT Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Riêng với Tp. Hồ Chí Minh, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT&TT Tp.Hồ Chí Minh cho rằng thành phố đã nhận thức được điều đó trong những năm qua và nổ lực để đảm bảo an toàn thông tin cho nhiều hệ thống, nhiều nền tảng của thành phố.

Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số. Trong các đề án, ATTT luôn là một trụ cột quan trọng, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin được tăng cường thường xuyên hơn, ý thức cần thẩm định về ATTT trước khi đưa các ứng dụng, nền tảng vào sử dụng được chú ý hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo ATTT ở mức cao nhất với tốc độ chuyển số rất nhanh chóng trên quy mô của một siêu đô thị, thậm chí một số tiêu chí đã vượt gấp đôi so với chuẩn của một siêu đô thị. Chính vì lẽ đó, Sở TT&TT thành phố đã phối hợp với VNISA tổ chức các hoạt động về ATTT trong nhiều năm qua.

Chương trình Hội thảo và Triễn lãm quốc tế An toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2022 cũng là dịp để các nhà lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành chia sẻ tầm nhìn, định hướng mục tiêu nhiệm vụ và giao lưu cùng các doanh nghiệp, cộng đồng CNTT và ATTT, là nơi để các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị ứng dụng cung cấp sản phẩm CNTT và ATTT trong và ngoài nước, chia sẻ nhiều khía cạnh và góc nhìn của các bên… nhằm nâng cao thứ hạng về ATTT của Tp.Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trong khu vực.

Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông Tp.Hồ Chí Minh và VNISA

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ buổi hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh và VNISA.

Uyển Nhi