Thanh niên không có định hướng nghề nghiệp, không theo thị trường lao động, chủ yếu đi học theo phong trào.
Đây là thông tin được ông Tào Bằng Huy – Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại hội thảo Định hướng nghề và việc làm cho thanh niên thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Theo ông Huy: “Trong những năm gần đây, dù có nhiều nỗ lực trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong đối tượng thanh niên còn cao so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Hiện trình độ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 27%, chất lượng làm việc kém. 39% thanh niên làm việc trong vùng dễ bị tổn thương. Thanh niên không có định hướng nghề nghiệp, không theo thị trường lao động, chủ yếu đi học theo phong trào. Việc định hướng cho thanh niên càng trở nên khó khăn khi CMCN 4.0 khiến nhiều việc làm mất đi, nhiều nghề mới phát triển, yêu cầu cần có lực lượng lao động mới tiếp cận công nghệ mới”.
Cũng theo ông Huy, việc đo lường chất lượng việc làm và định hướng nghề nghiệp tốt nhất cho thanh niên để phù hợp với thị trường lao động là điều quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 3 vấn đề: bám sát nhu cầu thị trường lao động; phát triển đào tạo nghề theo chuẩn mực quốc tế; nâng cao năng lực dự báo kỹ năng nguồn nhân lực.
Đề cập đến thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ông Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết, các cấp địa phương chưa chú ý tới việc phân luồng học sinh cuối cấp THCS và THPT. Tỷ lệ học sinh sau THCS vào THPT luôn chiếm khoảng trên 85%, ở các thành phố lớn tỷ lệ này còn cao hơn cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS và học nghề trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nếu vẫn duy trì như hiện nay, mục tiêu có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề đến năm 2020 có thể không đạt được kết quả như mong đợi. Trước những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, mục tiêu này cần phải có những giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng nghiệp để công tác phân luồng hiệu quả; cần phải đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh liên thông giữa các trình độ đào tạo, học lên các cấp học cao hơn.
Bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích học sinh đi học nghề, tăng mức hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, đối tượng khuyết tật, học sinh thuộc diện chính sách và những cơ sở đào tạo học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở.
Đặc biệt, giải pháp gắn đào tạo với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, tăng sự hấp dẫn của các nhà trường để thu hút học sinh vào học trong các cơ sở dục nghề nghiệp; gắn đào tạo với doanh nghiệp, người sử dụng lao động và thị trường lao động, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp GDNN có việc làm và làm việc đúng ngành, nghề đào tạo.
Cùng đó, cần đổi mới công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm cho người qua đào tạo đang thất nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh THCS, xây dựng chương trình và tổ chức dạy học phân hoá theo hướng tự chọn ở THCS…
Dưới góc độ của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đại diện Ban Thanh niên – Công nhân và Đô thị cũng đưa ra một số giải pháp về công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thanh thiếu niên. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các đơn vị báo chí như Thanh niên, Tuổi trẻ luôn duy trì các chuyên mục với những câu chuyện liên quan đến định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh, đào tạo tại các doanh nghiệp.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tư vấn hướng nghiệp, bắt đầu từ học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9 và các lớp bậc THPT đã có giải pháp định hướng về nghề nghiệp. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn có sự phối hợp với các cơ sở GDNN, nâng cao nhận thức thông qua phương tiện truyền thông, nhằm lan toả trong cộng đồng, thu hút giới trẻ đến với GDNN.
Từ 3/2020 sẽ xây dựng chiến dịch hướng nghiệp cho thanh thiếu niên, tập trung vào đối tượng học sinh phổ thông là học sinh cấp THCS, THPT và các tung tâm hướng nghiệp. Chương trình tư vấn mùa tuyển sinh vào tháng 3 thường niên được đẩy mạnh, sẽ có những CLB hướng nghiệp trong đó có sự tham gia của các bậc phụ huynh học sinh.
Bà Phạm Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cùng đại diện tổ chức Manpower cũng đề cập đến xu hướng lao động trên thế giới thông qua điều hành công nghệ toàn cầu. Những ngành nghề như logistics, dệt may, da giầy…, ngày càng được tự động hóa nhiều hơn.
Điều đó đòi hỏi khả năng thích ứng công nghệ của mỗi người, trong đó năng lực tiếng Anh cần được nâng cao nhiều hơn nữa. Thực tế, trình độ tiếng Anh của nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam còn hạn chế nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.
Vấn đề đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng số, kỹ năng làm việc nhóm trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ là điều vô cùng quan trọng trong tất cả các ngành, nghề. Dù ở khối sản xuất, hay khối dịch vụ đều cần nguồn nhân lực luôn luôn phải thích ứng với sự thay đổi từng ngày của công nghệ.
Điều đó có nghĩa là nhu cầu học tập suốt đời là cần thiết, vừa đáp ứng được những yêu cầu của doanh nghiệp và dễ dàng lựa chọn cho mình những vị trí việc làm phù hợp. Vấn đề đào tạo tích hợp linh hoạt giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp người học luôn tiếp cận được những công nghệ mới của dây truyền sản xuất được đặt lên hàng đầu, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chuẩn theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Từ những phân tích của các đại biểu, ông Tào Bằng Huy mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ sở GDNN và các tổ chức, ngành, địa phương trong việc định hướng, phân luồng cho GDNN; đẩy mạnh hơn nữa trong công tác phối hợp đào tạo cùng doanh nghiệp, giải quyết đầu ra cho nguồn nhân lực qua đào tạo…
Cùng đó, khơi dậy tinh thần tự học, hoàn thiện kỹ năng mềm về ngoại ngữ, công nghệ, giao tiếp và phát huy tinh thần làm việc nhóm. Sau Hội thảo này, vấn đề định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực, giải quyết việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Thu Thuỷ