“Sau khi lật đề thi lên nhìn bản vẽ là thí sinh phải quay vào làm như một cái máy. Phải nói là làm như một robot điên cuồng, chứ không phải lững thững, thong thả. Khi đó, các thí sinh lao từ góc này sang góc khác. Cứ rầm rập như vậy cả dãy khu vực thi”.
Để có thể giành huy chương ở các kỳ thi tay nghề thế giới, ngoài kỹ năng, tốc độ, thí sinh Việt Nam còn phải giữ được sự tập trung, tâm lý tốt và có một thể lực bền bỉ.
Kỳ thi tay nghề thế giới World Skill được tổ chức 2 năm/lần và các nước sẽ cử người giỏi nhất trong từng lĩnh vực nghề nghiệp đi dự thi với điều kiện dưới 23 tuổi.
Là người từng nhiều năm huấn luyện các tuyển thủ Việt Nam dự các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới, ThS.Nguyễn Quang Huy, giảng viên Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết đó phải là những thí sinh được chọn lọc và rèn luyện bài bản.
Đầu tiên, các thí sinh phải trải qua rất nhiều kỳ thi các cấp trong nước rồi khu vực ASEAN và thế giới, chưa kể những kỳ sát hạch liên tục.
Với nghề điện, ở những cuộc thi tầm quốc tế, mỗi thí sinh sẽ phải thực hiện một bài thi kéo dài trong 22 tiếng và được chia làm 4 ngày, mỗi ngày từ 6-7 tiếng. Mỗi thí sinh sẽ được bố trí một khu vực cabin với đầy đủ tất cả dụng cụ như khoan, khoét, dũa, thước, kìm,… rồi làm việc cật lực.
“Sau khi lật đề thi lên nhìn bản vẽ là thí sinh phải quay vào làm như một cái máy. Phải nói là làm như một robot điên cuồng, chứ không phải lững thững, thong thả. Khi đó, các thí sinh lao từ góc này sang góc khác. Cứ rầm rập như vậy cả dãy khu vực thi”.
Để có thể làm được như vậy, theo thầy Huy, các tuyển thủ phải luyện các kỹ năng 12 tiếng mỗi ngày và có bấm giờ. “Một trong số đó, các học trò thường được chúng tôi cho làm quen với việc tuốt 100 đầu dây chỉ trong 1 phút. Phải làm một cách quy củ và chính xác đến từng giây như vậy, bởi có những động tác chỉ được tính bằng giây, 10 giây phải xong việc này hay 20 giây phải xong việc kia. Có như vậy mới mong có thể thắng được các đối thủ và nghĩ đến chuyện giành được huy chương, chứ không phải chỉ lướt thướt làm cho xong”, thầy Huy nói.
Nhưng công việc không chỉ đơn thuần cơ bắp là lắp đặt. Xong phần “xác”, thí sinh phải bắt tay cả vào việc lập trình cho hệ thống. “Có nghĩa phải làm từ A-Z từ đầu một công trình hoàn toàn chưa có gì, từ lắp ống, kéo dây điện, đấu nối trong tủ điện,…Tức là thí sinh phải hoàn hảo kỹ năng nghề thì mới có cơ hội giành được huy chương”.
“Tất cả những gì thi thế giới là công nghệ, tiêu chuẩn mới nhất, thế nên các thí sinh luôn phải “chạy” theo những thứ mới nhất. Công nghiệp “chạy” đến đâu thì tiêu chuẩn thi nghề lên đến đó”.
Ngoài kiến thức và tốc độ, các thí sinh còn phải vượt qua sức ép về tâm lý. Bởi khi thi, có những lúc, thí sinh sẽ phải đối mặt với việc các vị giám khảo nước ngoài “mặt mũi lạnh tanh” đứng xung quanh yêu cầu vận hành, kiểm tra.
“Có 2 loại sức bền hô hấp và cơ bắp. Chưa nói đến sức bền cơ bắp, khi áp lực lên cao, hồi hộp và tim đập nhanh thì sức bền hô hấp cũng suy giảm rất nhanh. Hô hấp giảm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Cũng vì thế mà chúng tôi phải đưa ra các bài luyện tập chạy kéo dài hàng tháng để tăng sức bền hô hấp cho học viên”.
Như vậy, thậm chí các thí sinh phải luyện thể lực như các vận động viên chuyên nghiệp. “Ví dụ như nghề phay CNC, các em phải vượt qua 3 tháng chỉ rèn thể lực với lịch trình: ngày chạy, tối tập võ và đêm bơi. Có thể chạy 10km, các em mệt lắm rồi, nhưng không được phép nghỉ và vẫn phải chạy để vượt qua được ngưỡng tâm lý. Qua đó để chịu áp lực khó khăn, khắc phục điểm yếu tâm lý”.
Theo thầy Huy, có như vậy, thí sinh mới có thể đương đầu với những thử thách ở cuộc thi tầm quốc tế.
Quá trình huấn luyện cũng không đơn giản rằng “cứ có thầy giỏi là được” mà phải tích lũy rất nhiều kinh nghiệm và để “mơ” giành được huy chương cần hội tủ đủ các yếu tố như chiến thuật, thái độ thi đấu cực kỳ tập trung và lỳ lợm, tốc độ… Đặc biệt, thí sinh phải rèn được thái độ có động lực trong từng động tác.
Hải Nguyên