12/08/2022 2:45:42

Giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động:

Biểu dương 10 địa phương làm tốt, phê bình 4 địa phương chưa giải ngân

Đó là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung chỉ đạo sáng 12/8 tại Hội nghị giao ban toàn quốc đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động (trực tuyến với các địa phương). Đồng thời, đốc thúc và giao hẹn các địa phương phải hoàn tất giải ngân đúng kế hoạch.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3 Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/8 là hạn chót tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động, nhưng hiện nay, công tác tiếp nhận hồ sơ và tỷ lệ giải ngân của nhiều địa phương vẫn còn thấp.

Các cơ quan quản lý địa phương phải công khai minh bạch, xác định chính xác nguyên nhân chậm trễ là do nhận thức, thiếu trách nhiệm, hay do quy trình giải ngân chưa phù hợp. Phải tìm ra và quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ người lao động được hưởng chính sách an sinh xã hội của nhà nước”.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Việc Làm, tính đến 0h ngày 12/8, số hồ sơ UBND cấp huyện đã tiếp nhận được là 61.084 doanh nghiệp với 3.023.050 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.130 tỷ đồng (tương đương với 32,8 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương).

Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ là 32.106 doanh nghiệp, 2.070.377 lao động với kinh phí gần 1.314,5 tỷ đồng (tương đương với 61,7% so với số kinh phí đề nghị). Số hồ sơ đã được giải ngân là 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến).

Trong đó có nhiều địa phương đã giải ngân được số phần trăm cao và cũng có địa phương chưa giải ngân. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhận xét: “Cần phải biểu dương và lắng nghe chia sẻ của 10 địa phương có số tiền giải ngân cao nhất là Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Thái Nguyên, Tây Ninh.

Tuy nhiên, hiện nay có 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên cũng hãy nêu rõ lý do tại sao lại chậm chễ. Bộ trưởng mong muốn các địa phương cần chia sẻ kinh nghiệm cùng học hỏi.

Nhìn chung, để công tác giải ngân hiệu quả, chính quyền địa phương phải có sự đồng thuận, quan tâm và quyết tâm thực hiện từ bước nộp hồ sơ, xem xét xử lý hồ sơ và giải ngân.

Trong 4 địa phương chưa giải ngân, UBND tỉnh Sơn La đã thừa nhận sự chậm chễ và hứa sẽ hoàn thành giải ngân trước 17h30 ngày 12/8.

Sẽ có đoàn thanh tra đến các địa phương

Bên cạnh đó, một số địa phương dự kiến số lượng hồ sơ ban đầu cần giải ngân cao nhưng trên thực tế con số lại thấp hơn nên tính đến thời điểm hiện tại, dù đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỉ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu là không cao.

Các đại phương cũng đã nỗ lực xử lý hồ sơ và giải ngân sớm nhất có thể cho người lao động. Các tỉnh đã có văn bản điều chỉnh như: Đồng Nai, Hải Dương, Sóc Trăng, Long An… Nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam…

Đặc biệt An Giang và Bắc Ninh vẫn là các địa phương có số lao động và kinh phí dự kiến rất cao. Nhân đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ đạo các địa phương cần phải hoàn thành sớm việc giải ngân từ 20-25/8 và giao chỉ tiêu hoàn thành cho từng địa phương cụ thể.

Riêng TP. Hồ Chí Minh có số lượng người lao động nhiều và phức tạp nên Bộ trưởng giao chỉ tiêu cần cơ bản hoàn thành xử lý hồ sơ và giải ngân vào 30/8, đầu tháng 9 phải xong việc giải ngân. Tỉnh Bình Dương tự đề xuất với Bộ trưởng sẽ hoàn thành xử lý hồ sơ vào 31/8 và hoàn thành giải ngân sau vài ngày.

Nhằm đôn đốc các địa phương quyết tâm thực hiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng để chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến với người lao động nhanh và hiệu quả nhất”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết sau 1 tuần nữa sẽ có các đoàn thanh tra đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc cũng như đánh giá và biểu dương những nơi đã làm tốt và phê bình những nơi làm chưa tốt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động là việc cực kỳ quan trọng, nhân văn và hợp lòng dân. Việc này vừa giúp doanh nghiệp giữ chân, thu hút người lao động vừa giúp phục hồi xã hội, tiến tới ổn định việc làm cho người dân.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp rà soát lập danh sánh người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận để hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà, gửi UBND cấp huyện phê duyệt, hạn chót là ngày 15-8 xong khâu tiếp nhận hồ sơ. Mốc thời gian quan trọng thứ hai là ngày 30/8, phải hoàn thành việc giải ngân, kịp thời chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg./.

Ngô Diệp