Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố bản báo cáo mới nhất với nhan đề “Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam”, trong đó nhận định “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á và Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về nhận định tích cực này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) cho rằng, các chuyên gia ADB đã đưa ra đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng và tiềm năng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ.
Bản báo cáo đã chỉ rõ những tiến bộ mà Việt Nam đạt được từ định hướng xây dựng chính sách kiến tạo của Chính phủ, những điểm hạn chế cần tiếp tục cải thiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo xu hướng “mở” trên thế giới. Báo cáo cũng đề cập tới những lĩnh vực công nghệ mới mà trí tuệ trẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển theo nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, ADB đã đưa ra ví dụ về sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), với mục tiêu phát triển 600 doanh nghiệp vào năm 2025, trong số đó có 100 doanh nghiệp sẽ gọi được vốn đầu tư với tổng giá trị ít nhất là 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 85,44 triệu USD).
Mục tiêu này được hỗ trợ bởi Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và hai đề án mới có tên gọi “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”.
“Những nhận xét và kiến nghị của các chuyên gia ADB rất có ý nghĩa với những người xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phạm vi quốc gia và địa phương”, ông Phạm Hồng Quất cho hay.
Theo ông Phạm Hồng Quất, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, việc triển khai Đề án 844 và một số đề án của Chính phủ đã tạo những nền tảng cơ bản cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái này đang phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu hướng quốc tế.
Trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Cụ thể, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 khu làm việc chung; 200 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; hàng chục cơ sở ươm tạo…
Bên cạnh đó, cả nước cũng đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành.
Một trong những điểm nổi bật của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là chúng ta đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước; đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ.
“Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hữu cơ hơn, hiệu quả hơn với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khác trong khu vực và thế giới”, ông Phạm Hồng Quất cho hay.
Đặc biệt, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các start-up Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục trong năm 2021. Tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.
Theo số liệu được ADB thu thập, trước năm 2015, thị trường start-up Việt đều ghi nhận những thương vụ có phần nhỏ lẻ. Từ năm 2015, bắt đầu chuyển biến tích cực khi Việt Nam ghi nhận 31 thương vụ có trị giá từ 10 triệu USD trở lên.
Kể từ năm 2018, thị trường start-up Việt đã hoạt động vô cùng sôi động khi số lượng thương vụ có giá trị nhỏ lẻ (dưới 10 triệu USD) đã giảm rõ rệt, trong khi những thương vụ lớn có giá trị cả chục triệu USD tăng cao. Đỉnh điểm vào năm 2018, đã có tới 89 thương vụ trị giá từ 10 triệu USD được thực hiện. Con số này vào năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 79 thương vụ, 74 thương vụ và 82 thương vụ.
Trong năm 2021, 5 lĩnh vực start-up hàng đầu thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nhất tại Việt Nam bao gồm fintech (công nghệ tài chính) (26,6%), thương mại điện tử (20,3%), edtech (công nghệ giáo dục) (17,2%), healthtech (công nghệ y tế) (7,8%) và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Theo ông Phạm Hồng Quất, đáng chú ý là trong năm 2021, Việt Nam đã đón chào sự xuất hiện của 2 “kỳ lân” công nghệ mới (Momo được định giá 2 tỷ USD và Sky Mavis là 3 tỷ USD). Với việc bổ sung thêm 2 “kỳ lân” này vào danh sách, bên cạnh 2 cái tên xuất hiện trước đó là VNG (2014) và VNPAY (2019), Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ, trên bản đồ khu vực, Việt Nam đứng thứ ba, xếp sau Singapore và Indonesia về số lượng.
Nhìn chung, hiện nay, các start-up triển vọng nhất đều liên quan đến hệ sinh thái thương mại điện tử, fintech, logistics, blockchain, game… những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn trong 2-3 năm tới, dù có thể không phải tất cả nhưng một số công ty triển vọng đó có thể lớn mạnh vươn mình trở thành các “kỳ lân” tiếp theo.
So với các start-up trong những lĩnh vực khác, các start-up dựa trên công nghệ không đòi hỏi quá nhiều vốn ban đầu, chủ yếu dựa vào những ý tưởng mới và có tính sáng tạo, có thể dễ dàng kết nối toàn cầu thông qua công nghệ và làm cho các ý tưởng có thể dễ tiếp cận hơn cũng như dễ học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.
Cần có nhiều chính sách đột phá hơn nữa
Ông Phạm Hồng Quất cho rằng, để nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia giúp Việt Nam thực sự là trung tâm khởi nghiệp của khu vực, sản sinh ra nhiều “kỳ lân”, trong giai đoan tới, cần có nhiều chính sách đột phá hơn nữa trong việc tạo nguồn lực, thị trường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy liên kết, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước.
Tuy nhiên, việc xây dựng và đẩy mạnh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam là quá trình đầu tư lâu dài của Chính phủ cùng với quá trình phát triển của đất nước và doanh nghiệp.
Hiện nay, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.
Trước mắt, Bộ KH&CN sẽ phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với vai trò hạt nhân kết nối, phát triển hệ sinh thái; khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia…
Ở cấp độ địa phương, các địa phương cần có những giải pháp chính sách sáng tạo, đặc thù để thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt cần khai thác hiệu quả nguồn chuyên gia, cố vấn của các tổ chức quốc tế và mạng lưới sinh viên, nghiên cứu sinh, doanh nhân, nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội cũng cần tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các start-up, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo…
Theo VGP