Với 52 tiết Lịch sử bắt buộc mỗi năm ở cấp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến chuyên gia, chỉnh sửa, biên soạn tài liệu và thẩm định chương trình trong khoảng thời gian hơn 1 tháng.
Không ít hơn so với chương trình cũ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ngày 11/7 đã ký ban hành kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nêu rõ phần nội dung bắt buộc.
Theo đó, Bộ GD&ĐT xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.
Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp THPT; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8/2022.
Như vậy, Lịch sử từ môn học lựa chọn theo thiết kế ở cấp THPT chương trình giáo dục phổ thông mới, giờ đây trở thành môn học vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn.
Ngoài 52 tiết bắt buộc/năm ở cấp THPT mà tất cả các học sinh đều phải học, Lịch sử cũng nằm trong nhóm môn học lựa chọn (học sinh nào có mong muốn học thêm) ở cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Ở phần nội dung tự chọn này, các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.
Theo đó, thời lượng 52 tiết Lịch sử bắt buộc/năm học là không ít hơn so với chương trình cũ.
Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây nêu rõ: Cần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh…
Được biết, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội thảo xin ý kiến các tổ chức, nhà khoa học, giáo viên về chương trình Lịch sử phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết mỗi năm; đồng thời biên soạn, thẩm định tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các Sở GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng sự phù hợp với điều kiện địa phương.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp THPT và xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình môn học này; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8, tức còn hơn một tháng. Vụ Giáo dục Trung học cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo xin ý kiến, tập huấn cho các cán bộ, giáo viên.
Ngoài ra, thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2022.
Để học sinh hiểu và yêu lịch sử đất nước
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) cho hay Bộ GD&ĐT chỉnh sửa lại Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó; xác định Lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta, như vậy đã tiếp tục làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy-học môn Lịch sử, không coi đó là môn học lựa chọn.
Theo PGS.TS Võ Tiến Trung, dạy-học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo ra nguồn cảm hứng, thích thú để học sinh nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử, từ đó hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam.
Cũng theo PGS.TS Võ Tiến Trung, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử, chú ý cải thiện điều kiện làm việc của họ, có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, để học sinh hiểu và yêu lịch sử đất nước, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo VGP