01/07/2022 7:03:32

Biến động tâm lý trẻ em hậu Covid-19: Thấu hiểu trẻ để tránh dẫn đến bệnh lý tâm thần

Các thay đổi khác trong cuộc sống, ảnh hưởng của dịch covid-19 đều khiến trẻ nhỏ bị xáo trộn sinh hoạt và biến động tâm lý. Do đó, cha mẹ, người chăm sóc cần thấu hiểu và giải tỏa điều này, tránh để trẻ bị rối nhiễu tâm lý dẫn đến bệnh lý tâm thần.

Nhiều trẻ em bị rối nhiễu tâm lý do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài trong đại dịch Covid-19

Đó là chia sẻ của Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam tại “Hội thảo kỹ thuật xây dựng Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em di cư dựa vào cộng đồng giai đoạn 2022-2030”, tổ chức tại Hà Nội ngày 30/6.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam phát biểu tại Hội thảo

Đây là chương trình nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF).

Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An – điều phối viên Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) cho biết: “Sức khỏe tâm thần là sự hài hòa về thể chất, tinh thần và xã hội. Do vậy, cha mẹ, người nuôi dưỡng cần chú ý nhiệm vụ phòng ngừa các vấn đề rối nhiễu tâm trí từ những điều bất thường nhỏ nhất ở trẻ như hay quấy khóc, hay tè dầm, ngồi học không chú ý…

Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em và trẻ vị thành viên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần là một vấn đề xã hội cần đặc biệt lưu tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã khiến cuộc sống của trẻ em gặp nhiều thay đổi như: Mồ côi cha hoặc mẹ hoặc mồ côi cả hai, mất người thân, thay đổi nơi ở, di cư theo cha mẹ đi làm…

Trong bối cảnh đó, ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiệm vụ xây dựng một chương trình riêng về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, đặc biệt để khắc phục những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh, thiên tai, có sự can thiệp đa ngành Y tế, giáo dục, an sinh xã hội để đưa lại hiệu quả cao nhất là vô cùng cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Y Duyên – chuyên gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, UNICEF cam kết hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện chương trình nhiều ý nghĩa này. Trong quá trình xây dựng chương trình, cần lưu ý một số điểm: cần bảo đảm quyền trẻ em; cần dựa trên những nguyên tắc, kinh nghiệm, khuyến nghị quốc tế; các chính sách cần xem xét trên bình diện tổng thể, liên kết với các chương trình, đề án đã ban hành, mang tính chất bổ sung, giúp các chương trình đã có vận hành hiệu quả hơn; tăng cường phối hợp liên ngành, đòi hỏi sự tham gia tích cực, có chất lượng của các đơn vị liên quan trong tiến trình này.

Cục Trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam khẳng định, trong tháng 7 này, nội dung của Chương trình cần phải được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đức Khang