Vào những ngày này, từng đoàn xe tải từ khắp các ngả đường đổ dồn về Lục Ngạn, Bắc Giang và từ mọi nẻo thôn làng, những chiếc xe máy hối hả chở đầy vải thiều hối hả tập kết về các điểm thu mua, tạo nên bức tranh nhộn nhịp của mùa vải chín.
Từ sáng sớm, công việc giao dịch, mua bán vải đã diễn ra rất sôi động
Toàn huyện Lục Ngạn có khoảng 16.000 ha vải thiều, trong đó hơn 12.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, với sản lượng ước khoảng 75.000 tấn. Bên cạnh việc xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU và Trung Quốc, vải Lục Ngạn cũng đặc biệt được ưa chuộng ở thị trường trong nước.
Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân ngày càng nâng lên, nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước. Việc tiêu thụ vải thiều cũng khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao.
Anh Vương Văn Thành ở xã Đồng Cốc huyện Lục Ngạn cho biết, năm nay gia đình anh trồng 2 mẫu (7200m2) vải trên đất đồi, dự tính thu hoạch được khoảng trên dưới 10 tấn quả.
Cũng theo anh Thành, với thời giá hiện nay gia đình anh sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng.
Được biết, từ tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác. Đây cũng là “giấy thông hành” để vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Lưu Hồng Sơn