Trong hai ngày 11-12/6, tại trường Đại học Lâm nghiệp ( Hà Nội), Trung tâm Green Viet phối hợp cùng Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Tập huấn sử dụng chương trình I-Tree trong giám sát cây xanh đô thị” tại Việt Nam.
Hội thảo thu hút các thành viên, đại biểu đến từ các thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng tham gia, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ I-Tree giám sát cây xanh đô thị, cũng như tập huấn nhằm đẩy mạnh, nhân rộng triển khai ứng dụng công nghệ này tại đô thị trong trong thời gian tới.
Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái bị ô nhiễm, nhằm góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường sống và xây dựng không gian xanh, không khí trong lành tại đô thị, những năm gần đây, Trung tâm Green Viet đã phối hợp cùng các thành phố lớn là: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh thực hiện chương trình “Một triệu cây xanh đô thị”, giai đoạn 2020- 2030 theo phương thức xã hội hóa, “chương trình uprace 1 km = 1 nghìn đồng”. Từ đó, triển khai xây dựng mạng lưới tổ chức trồng cây xanh ở các thành phố.
Sau 3 năm triển khai từ năm 2020 đến nay, Green Viet đã trồng được 31.000 cây xanh tại 3 thành phố trên. Chương trình đã lan tỏa hiệu ứng rộng rãi đến với cộng đồng, được sự hưởng ứng tích cực từ lãnh đạo thành phố đến người dân, giúp mọi người hiểu được lợi ích trồng cây xanh đối với môi trường xanh, đặc biệt là góp phần nâng cao sức khỏe của con người.
T.S Hà Thăng Long – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Green Viet bày tỏ mong muốn tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Một triệu cây xanh đô thị” từ nay tới năm 2030. Green Viet sẽ tổng kết chương trình và hướng tới chuẩn bị kế hoạch cho tầm nhìn đến năm 2050.
Thông qua Hội thảo tập huấn sử dụng chương trình I-Tree, Green Viet mong muốn cộng đồng, xã hội, người dân cùng hưởng ứng, chung tay góp phần trồng cây tạo nên môi trường xanh mát…, đồng thời mọi người được tiếp cận phần mềm và sử dụng công cụ “thông minh” của I-Tree để từ đó xây dựng kế hoạch trồng cây đạt hiệu quả, mang lại giá trị cao, cải thiện được không khí, môi trường sống cho cộng đồng.
Công nghệ phần mềm I-Tree được phát triển bởi Bộ Lâm nghiệp Hoa Kỳ từ năm 2006 và đang được ứng dụng miễn phí trên 130 quốc gia trong quản lý cây xanh, ứng dụng trong nghiên cứu và đào tạo.
Trong đó, được tích hợp trên toàn lãnh thổ ở các nước như: Úc, Canada, Colombia, European Union, Mexico, South Korea, United Kingdom. Đồng thời đang phát triển ở 90 thành phố trên thế giới, trong đó Việt Nam có 3 thành phố ứng dụng là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Hoàng Văn Chương- Điều phối viên Green Viet cho biết, đây là công nghệ phần mềm được tích hợp những tính năng ưu việt bởi những công cụ đánh giá tự động trong việc đánh giá và quản lý rừng và cây xanh đô thị.
I-Tree Eco có thể sử dụng để đánh giá các quy mô khác nhau, từ vài héc-ta đến hàng nghìn héc-ta, chẳng hạn như một công viên, khu vườn, khuôn viên, khu vực lân cận, thành phố và khu vực. Có 4 nhóm công cụ: Công cụ trồng cây- lập kế hoạch trồng cây; thông tin về đất đai, nguồn nước; công cụ đánh giá từng cây; dự báo được khi trồng cây gì sẽ cung cấp bao nhiêu ô xy trong không gian; con người trong môi trường đó hấp thu được bao nhiêu ô xy từ cây xanh…. I-Tree có thể đo đếm được độ che phủ chính xác tùy từng loại cây và tùy theo từng thời điểm sinh trưởng…
Đặc biệt, ứng dụng phần mềm I-Tree cũng cho những dự báo về cấu trúc của cây xanh (diện tích lá, sinh khối lá, sinh khối cây, sức khỏe thân cây, giá trị quan trọng); chức năng của cây (lưu trữ và hấp thụ cácbon, loại bỏ ô nhiễm không khí, thủy văn), cùng những giá trị lợi ích kinh tế và môi trường.
Có thể nói, I-Tree với những công cụ tương đối hoàn chỉnh, giúp cho con người lập kế hoạch trồng các loại cây phù hợp trên từng địa bàn, cũng như mang lại những giá trị thiết thực, hiệu quả để có được môi trường xanh, an lành.
Nhận định và phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, đây là công cụ cần thiết đối với Việt Nam hiện nay, bởi thực trạng chung tại Việt Nam đang thiếu dữ liệu để quản lý đồng bộ, khó chia sẻ khi chưa có cơ sở quản lý dữ liệu chung; thiếu sự truyền thông của giá trị trồng cây xanh, bởi vậy ý thức của người dân chưa nhận thấy lợi ích, quý trọng môi trường không gian xanh…
Bởi vậy, khi nhân rộng ứng dụng công nghệ miễn phí này sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp các đơn vị quản lý về xây dựng, môi trường, các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngành, cũng như người dân trong việc lập kế hoạch một cách khoa học, nắm bắt, giám sát, quản lý trong việc trồng cây xanh đô thị tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Tiến sĩ Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Đại học Văn Lang cho biết, tính năng của I-Tree sẽ giúp cho đội ngũ nghiên cứu dễ dàng có được bộ phân tích dữ liệu về khả năng hấp thụ CO2, bụi mịn và các loại khí độc khác của hệ thống cây xanh đô thị, cũng như khả năng cung cấp ô xy của cây xanh ra môi trường. Dữ liệu quan trọng này là kiến thức sẽ được cập nhật vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên nắm bắt được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn.
PGS. TS Nguyễn Minh Thanh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp và biến đổi khí hậu, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho biết: “Là một trong những đơn vị phối hợp cùng Green Viet thực hiện chương trình “Một triệu cây xanh đô thị” từ năm 2020 đến nay, Hà Nội đã trồng được 15 nghìn cây xanh tại 4 huyện trên địa bàn thành phố. Khi ứng dụng công nghệ phần mềm I-Tree trong việc xác định trọng điểm kế hoạch, quản lý, giám sát cây xanh trong quá trình sinh trưởng, chúng tôi thấy rất hiệu quả. 90% cây xanh được trồng tại các địa điểm đều sinh trưởng tốt tại các điểm trồng. Chương trình còn có ý nghĩa tác động, thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích trồng cây xanh đối với môi trường, cải tạo môi trường trở nên trong sạch hơn. Thực tế có những nơi trước đây là bãi rác tự phát, nhưng sau khi được trồng cây xanh sau 2 năm trở lại, nơi đây đã không còn bãi rác và phủ một màu xanh mát, rợp bóng cây. Chúng tôi hy vọng, việc ứng dụng phần mềm I- Tree sẽ trở nên phổ biến, giúp các nhà xây dựng, quản lý môi trường, người dân hưởng ứng tích cực trồng cây xanh và bảo vệ môi trường”.
Thu Thủy