Việt Nam là đất nước luôn nằm trong top những thiên đường ẩm thực của thế giới với rất nhiều món ăn ngon, dân giã, đơn giản mà lại vô cùng đặc sắc. Trong nhiều cuộc bình chọn của tờ báo trong nước và quốc tế, thì “phở” luôn là món ăn được nhiều người ưa thích nhất, cả người Việt và bạn bè quốc tế.
Nguồn gốc của phở thật bí ẩn, người thì bảo phở là món lai Pháp, người lại bảo nó xuất xứ từ Trung Hoa, có người lại quyết bảo vệ phở là của Nam Định. Bất kể phở xuất xứ từ đâu, chúng ta vẫn luôn tự hào rằng phở là linh hồn ẩm thực của Việt Nam, là món ăn “quốc hồn- quốc túy”.
Món này tương truyền phát xuất từ Bắc Việt Nam vào thời Pháp thuộc, khi người ta thử kết hợp nước lèo nấu bằng xương bò với loại bánh phở địa phương. Vào những năm 1940, phở đã rất nổi tiếng ở Hà Nội, là một món ăn có thể ăn vào bất cứ khoảng thời gian nào mà bạn muốn từ sáng, trưa, chiều đến tối đều được cả. Khi phở vào Nam, nó trở nên đa màu, đa sắc và đa hương vị hơn.
Bát phở cho thực khách bao giờ cũng được đựng trong tô hoặc bát lớn, gồm bánh phở đã trần và thịt lát mỏng bên trên. Nước dùng của phở được làm từ nước ninh của xương bò như xương cục, xương ống và xương vè, thịt dùng cho món phở có thể là bò, hoặc gà. Một số gia vị đi kèm như vài lát chanh tươi, dăm cọng rau thơm, hành lá, dấm chua… Khách nêm ớt, chanh, hạt tiêu và những gia vị đó rồi dùng đũa trộn đều rồi thưởng thức.
Khi ăn thì trút nước dùng nóng và rắc ít hành ngò khiến bát phở thơm một mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn khứu giác của con người. Chỉ cần ngửi mùi thơm của nước dùng phở cũng đủ để ta cảm thấy ngất ngây, các hương vị của thịt, xương, rau thơm quyện vào nhau tạo nên mùi thơm đặc biệt đi vào lòng người. Bởi vậy, khi bạn cảm thấy mệt mỏi trong người, một bát phở có thể giúp ngay lập tức tràn đầy năng lượng.
Phở không chỉ đơn giản là một món ăn ngon hấp dẫn mà nó còn là một món ăn truyền thống đặc trưng của Việt nam. Phở còn trở thành nguồn cảm hứng của biết bao nhà văn như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn…Thế mới biết, phở không chỉ có giá trị trong ẩm thực và còn cả trong nghệ thuật văn chương nữa. Phở dưới những ngòi bút ấy, gần như chẳng còn ai có thể tả hay hơn nữa, và cũng chẳng cần ai phải tốn công mà viết thêm về phở nữa vì nó đã quá đủ đầy, đã quá nổi tiếng rồi.
Đối với du khách nước ngoài thì phở được coi là món ngon hấp dẫn và quyến rũ bởi sự tinh túy. Phở Việt Nam được đón nhận trên khắp thế giới, có mặt ở 50 quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Australia, Đức, Anh, Mỹ hay Brazil xa xôi… với các thương hiệu phở nổi tiếng như Phở 79, Phở Thìn, Phở Bình, Phở 14, …
Có lẽ phải kể đến “50 món ăn ngon nhất trên thế giới” của đài CNN, đứng đầu danh sách “40 món ăn nhất định phải thử trong cuộc đời” của Business Insider và vô số những cuộc xếp hạng lớn nhỏ khác. Không chỉ thế, vào ngày 4 tháng 4 năm 2016, Hiệp hội Ngày kỷ niệm Nhật Bản (Japan’s Anniversary Association) đã cấp giấy chứng nhận “Ngày của phở” tại Osaka, khiến ngày này hằng năm sẽ trở thành ngày vinh danh món phở ở xứ sở hoa anh đào.
Riêng tại Mỹ, phở Việt du nhập mạnh mẽ, xếp ngang với các món như pizza Ý, bánh burritos Mexico hay sushi Nhật. Đặc biệt, phở đã tự tạo cho mình một danh từ riêng trong từ điển của Anh. Làm được điều này, phở không đơn giản là món ăn ngon với câu chuyện ẩm thực, mà còn là câu chuyện về việc lưu giữ tinh hoa, cốt cách của người Việt để vươn ra thế giới.
Nhưng bất kể Phở có nguồn gốc từ đâu, thì ngôi nhà tinh thần của Phở chính là Hà Nội. Từ lúc thành phố miền Bắc còn chìm trong bóng đêm dày đặc hay khi mặt trời đã ló rạng rực rỡ, nhiều người bán hàng đã rong ruổi khắp các con đường trên những chiếc xe đạp của họ, với vô vàn thúng mủng đựng chanh, tỏi, ớt còn rộp nóng trên tay lái. Người Hà Nội ăn phở cả ngày, dù sáng, trưa hay đêm xuống, các hàng phở vẫn nghi ngút khói và bóng dáng người. Nổi tiếng nhắc đến như quán phở Thìn ở Đinh Tiên Hoàng, phở Gia Truyền ở Bát Đàn, phở Vui ở Hàng Giầy,…
Phở ở thành phố Hồ Chí Minh “là kho rượu vang của hình ảnh Việt Nam”, là một sự kết hợp tinh tế của những hương vị mạnh. Món phở ở đây dồi dào, nước dùng đục hơn. Có rất nhiều những cây rau gia vị hình răng cưa, húng quế, bạc hà và giá đi kèm đến nỗi bạn phải dùng tay xé nhỏ chúng rồi bỏ vào bát.
Trong thành phố của đêm này, một thực khách tằn tiện và đói bụng vẫn có thể cùng bạn bè mình ăn một bát phở “đẳng cấp thế giới” chỉ trong 10 phút. Dễ dàng để các du khách biết đến như quán phở Hòa đường Pasteur, phở Lệ đường Nguyễn Trãi hay quán phở 2000 ở Phan Chu Trinh (đây là nơi mà tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dừng chân và thưởng thức phở Việt Nam năm 2000),… và rất nhiều cửa tiệm khác trên toàn thành phố mang tên Bác với sự đa dạng khác nhau.
Nhà sử học Dương Trung Quốc ví von, phở là đại sứ Việt Nam thân thiện, gần gũi nhất, quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta ra thế giới, gặp nhiều hàng phở, có thể chủ nhân là người Việt, cũng có thể là chủ nhân người nước ngoài. Nhưng đặc biệt cái tên không thể nào thay đổi, đó là một trong những đại sứ Việt Nam ở nước ngoài gần gũi nhất thân thiện nhất với mọi người”.
Cả một hành trình dài đầy phi thường của tô phở Việt Nam, chính từ những cái giản dị nhưng đậm chất của phở Việt, món ăn này hiện đã ghi danh mình trong thực đơn nhiều nước trên thế giới. Sự phát triển của phở cũng không “ích kỷ”, khi mà cùng với nó, là sự nổi tiếng đang dần tăng lên của các món ăn Việt khác, bằng chứng là bánh mì, cà phê, gỏi cuốn… cũng ngày càng nhận được nhiều sự đón nhận của bạn bè quốc tế. Việc đưa bát phở Việt vươn tầm, không đơn thuần là giới thiệu món ăn tiêu biểu của Việt Nam mà còn gửi gắm tới bạn bè năm châu về tinh hoa văn hóa và con người của dải đất hình chữ S.
Hai Hoàng- Quang Trung