Câu chuyện chủ đầu tư dự án condotel Cocobay Đà Nẵng xin dừng hẳn việc trả lợi nhuận là bài học cảnh tỉnh cho nhà đầu tư về hàng loạt dự án condotel đua nhau cam kết lợi nhuận thời gian vừa qua.
Cách đây vài năm, khi condotel nở rộ, nhiều doanh nghiệp cam kết lợi nhuận lên mức 12%/năm, cá biệt có trường hợp lên tới 15%/năm với thời gian thực hiện từ 8 đến 12 năm. Tuy nhiên, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 – 12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy. Thực chất, chủ đầu tư chi trả lợi nhuận cho người mua thời gian qua chỉ là “lấy mỡ nó rán nó”.
Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng tuyên bố không thể trả lợi nhuận condotel như cam kết |
Với giá trị bị thổi phồng của căn hộ này mà người mua phải trả, chủ đầu tư đã dùng số tiền của người mua để trả ngược lại cho chính họ. Chủ đầu tư bán căn hộ condotel cho khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp) nhằm huy động vốn để thực hiện dự án, theo phương thức tương tự như bán nhà ở hình thành trong tương lai (mặc dù pháp luật chưa cho phép thực hiện phương thức này đối với các dự án không phải là ở hình thành trong tương lai). Với cách thức bán hàng này, chủ đầu tư được lợi rất lớn.
Trước đây, một trong những dự án condotel đình đám từng khiến khách hàng bị hấp dẫn bởi mức cam kết lợi nhuận lên đến 15%/năm là Khách sạn Bavico Nha Trang (số 2 Phan Bội Châu, Nha Trang, Khánh Hòa). Tuy nhiên, dự án này đã mau chóng khiến khách hàng vỡ mộng khi chủ đầu tư chỉ chi trả lợi nhuận đúng cam kết trong vài tháng đầu, còn sau đó xin giảm từ 15%/năm xuống 8%/năm.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, dự án condotel tại Đà Nẵng phải đàm phán lại với khách hàng vì hứa trả lợi nhuận quá cao, dẫn đến không có khả năng thực hiện. “Điều này cho thấy, nhiều nhà đầu tư còn tham lam, không tính đến tính khả thi. Theo tôi, nếu cam kết lợi nhuận từ 8 đến 12 %/năm thì chủ đầu tư đều phải lấy lợi nhuận từ nguồn khác bù vào”, ông Nam phân tích.
P.V (Tổng hợp)