Nhiều câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải pháp nào để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho người nông dân, đặc biệt nông dân dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được đặt ra trong Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 tại Sơn La và 62 điểm cầu trên cả nước.
Đổi mới cơ cầu nguồn lực đầu tư cho dạy nghề nông dân
Trả lời câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “về đào tạo nghề, tôi muốn nói đến chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng ít ai biết được xuất phát điểm của chương trình này bắt đầu từ đâu.
Năm 2007, tại Mộc Châu, sau khi đi nghiên cứu chương trình của Hàn Quốc về chúng ta bàn 3 vấn đề: Xây dựng hạ tầng, canh tác và đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2008 bắt đầu đưa chương trình này vào. Đến Quốc hội khóa 10, 11, quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong nội dung đó, tại Mộc Châu đã bàn rất kỹ vấn đề đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Chúng ta xác định nông dân vừa là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp và đòi hỏi phải nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ của nông dân theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 vừa bàn là toàn diện và văn minh.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, trước hết cần hình thành thói quen người lao động tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình.
Thứ hai là đổi mới công tác tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp. Đối với từng vùng, cách thức phải khác nhau. Tôi nhớ năm 2010, ở Trạm Tấu, Yên Bái chưa biết trồng ngô, vì vậy chúng tôi phải sử dụng lực lượng sinh viên nông nghiệp hướng dẫn trồng ngô, sau 1 vụ, 2 vụ thành công thì bà con mới có thể làm theo được.
Thứ ba là đổi mới chương trình, giáo trình học việc để làm sao đào tạo gắn với cơ cấu lao động, tạo sinh kế việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thứ tư là đổi mới cơ cấu, nguồn lực đầu tư. Trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, bố trí rất nhiều nguồn lực kinh phí cho đào tạo nghề. Qua kiểm tra khi về địa phương, lại cắt xén đi, đưa sang công việc khác. Vì vậy thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phân bổ nguồn kinh phí đào tạo cho chính xác.
Thứ năm, phân công trách nghiệm rõ ràng. Toàn bộ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và địa phương. Toàn bộ đào tào nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH. Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó 70% đã được đào tạo, nhưng chỉ 24,5% được đào tạo có chứng chỉ nghề nghiệp và cấp ASEAN. Vì vậy, phải coi đào tạo nghề là một trong những đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại.
Gắn đào tạo nghề, nâng cao trình độ nông dân với mục tiêu hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn hiện đại
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, “chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong quá trình đó, phải quán triệt một số quan điểm: (i) Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế – xã hội; (ii) Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; (iii) Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (iv) Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển, mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; (v) Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị, môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đẩy mạnh đổi mới đào tạo nghề, nâng cao trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân”
Thủ tướng cho biết để thực hiện được mục tiêu nói trên, Trung ương sẽ ban hành các Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Các cấp, các ngành phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các Nghị quyết này.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Quỳnh Chi