Các nước trong Liên minh Châu ÂU (EU) thừa nhận, vòng trừng phạt tiếp theo sẽ không bao gồm khí đốt Nga.
Ngay sau khi lệnh cấm vận một phần dầu Nga được đưa ra, lãnh đạo các nước vùng Baltic đã kêu gọi đàm phán về các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng EU cần bắt đầu thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới với Nga vì tình hình ở Ukraine “vẫn chưa thể khá hơn”. “Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, sẽ không có sự yên bình. Ukraine vẫn chưa giành chiến thắng. Chúng ta đã hỗ trợ nhưng chưa đủ”, bà Kallas nói.
Giống những người đồng cấp ở các quốc gia Baltic và Ba Lan, nữ Thủ tướng Estonia muốn EU sớm ngừng phụ thuộc vào khí đốt Nga. Nhưng bà Kallas thừa nhận bà là người “thực tế” và không cho là khí đốt Nga sẽ nằm trong danh sách của đợt trừng phạt thứ 7.
“Các biện pháp trừng phạt về dầu Nga đã khó nhưng khí đốt còn khó hơn nhiều. Việc đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo sẽ khó khăn hơn vì chúng không chỉ ảnh hưởng tới người Nga, mà giờ đã có tác động tiêu cực tới cả người châu Âu”, Thủ tướng Estonia nói với báo chí tại ngày thứ 2 của Hội nghị Thượng đỉnh EU.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng đồng quan điểm với người đồng cấp Estonia. Ông Nehammer cho rằng khí đốt không thể nằm trong danh mục trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga. “Việc tìm nguồn thay thế dầu Nga dễ hơn so với khí đốt. Đó là lí do vì sao các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ không nhằm vào khí đốt Nga”, ông Nehammer nói.
Ngày 30.5, EU đã nhất trí lệnh cấm vận một phần với dầu thô của Nga trong vòng trừng phạt thứ 6.
“Dầu mỏ của Nga dễ bù đắp hơn trong khi khí đốt thì hoàn toàn khác. Đó là lý do lệnh cấm vận khí đốt sẽ không phải nội dung trong gói trừng phạt tiếp theo” – ông Nehammer giải thích.
Estonia và Bỉ cũng chia sẻ quan điểm của Áo về lệnh cấm vận khí đốt Nga của EU. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhận định trên Euronews rằng, việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga sẽ rất khó khi các công dân EU đã bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhận định, việc EU cấm vận dầu mỏ Nga là “một bước tiến lớn”, nhưng ông cho là khối 27 thành viên “nên tạm dừng nó ngay bây giờ”, vì việc cấm khí đốt của Nga “phức tạp hơn nhiều”.
EU dựa vào nhập khẩu khí đốt Nga nhưng đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc sau khi Mátxcơva triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraina. Tới nay, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan sau khi những nước này không tuân thủ yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Việc chấm dứt tranh cãi, bất đồng về lệnh cấm vận dầu Nga giúp EU tập trung hơn vào các danh mục khác trong đợt trừng phạt thứ 6, gồm các cá nhân và ngân hàng được cho là có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin. Có thêm 3 ngân hàng của Nga, trong đó có ngân hàng cho vay lớn nhất nước Nga Sberbank, bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift. Đây là động thái của phương Tây nhằm tách Nga khỏi nền tài chính toàn cầu.
Khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU là đối tác chi 1 tỷ euro mỗi ngày để nhập khẩu năng lượng Nga. EU đã đồng ý giảm phụ thuộc vào than Nga tính từ nay cho đến giữa tháng 8, giảm lệ thuộc vào dầu Nga đến cuối năm nay, nhưng chưa ấn định thời hạn để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Vương Tâm