Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022) – Vị lãnh tụ của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nhắc lại sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) còn non trẻ của nước nhà.
Cụ thể, tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN được hình thành trong một không gian mở, tiếp thu những cái mới, tiến bộ không chỉ bằng lý trí uyên bác mà còn với nhiệt tình của lòng yêu nước nồng nàn. Người cho rằng khoa học, kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Khoa học và công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Có thể nói, cuộc chạy đua phát triển kinh tế trên thế giới hiện nay thực chất là cuộc chạy đua về KH&CN. Là người có tầm nhìn chiến lược, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế.
Vào ngày 20/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL ban hành các đơn vị đo lường hợp pháp, quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ mét – hệ đo lường khoa học và tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ. Sắc lệnh số 08/SL là một trong những văn bản pháp luật quản lý khoa học kỹ thuật đầu tiên của chính quyền cách mạng nước ta thời bấy giờ.
Sự ra đời của Sắc lệnh đã thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn sáng suốt của Bác đối với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật chuyên ngành nhưng lại liên quan đến tất cả mọi ngành khoa học, kỹ thuật và đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Ngày 18/5/1963, trong bài nói chuyện tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp… Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.
Cũng từ đó, ngày 18/5 trở thành Khoa học Công nghệ Việt Nam, đây là dịp khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng, phát triển cán bộ khoa học trong tương lai.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã đối phó thành công với mọi loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch. Ðiển hình là thắng lợi của chúng ta đối với sự phong tỏa của địch bằng “thủy lôi từ tính” và “bom từ trường” ở cảng Hải Phòng và đặc biệt là thắng lợi của trận “Ðiện Biên Phủ trên không” – một chiến thắng thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho đội ngũ tri thức phát huy tài năng, trí tuệ của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Bên cạnh sự quan tâm và chính sách trọng dụng nhân tài, Người cũng đặc biệt chú ý đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực KHCN. Người đặc biệt coi trọng xây dựng con người mới vì đây là động lực quyết định hướng đi lên của xã hội Việt Nam tương lai.
Theo Người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Con người mới phải có tri thức văn hóa và khoa học, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dựa trên những phẩm chất đạo đức được tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày.
Người đề cao nhiệm vụ dạy bảo thế hệ thiếu niên về KH&CN, làm cho các cháu ngay từ nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau sẽ trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc một cách khoa học. Bác Hồ đã khẳng định: “Khoa học là tài sản chung của toàn dân chứ không phải tài sản riêng của một nhóm người nào. Bởi vậy, phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”.
Ngày nay, KH&CN trên thế giới đang phát triển như vũ bão, toàn cầu hóa trở thành xu hướng tất yếu và cạnh tranh quốc tế ngày càng trở nên gay gắt. Việt Nam phải chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho phát triển KH&CN và nguồn nhân lực KH&CN, phát triển kinh tế tri thức để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về KH&CN có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cán bộ KHCN cũng như đối với các cán bộ làm công tác quản lý KH&CN.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, năm 2021 kinh phí sự nghiệp KH&CN do Trung ương cân đối là 3.106 tỷ đồng, UBND tỉnh/thành phố phê duyệt là 4.095 tỷ đồng (đạt 131,8% so với kinh phí Trung ương cân đối), kinh phí thực hiện đạt 3.581 tỷ đồng (chiếm 115,3% so với kinh phí Trung ương cân đối và 87,4% so với kinh phí UBND tỉnh, thành phố phê duyệt). Đáng chú ý, ngân sách do các tỉnh/thành phố dành cho đầu tư phát triển KH&CN là 888 tỷ đồng (thống kê được 26 tỉnh/thành phố), kinh phí thực hiện đạt 841 tỷ đồng (chiếm 94,7%).
Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua, điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn song nhiều địa phương vẫn dành sự quan tâm lớn, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cho KH&CN nhằm phát triển kinh tế địa phương. Ở nước ta, đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Những năm gần đây xuất hiện tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, Vingroup… đang mạnh dạn đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo và đã thu được những kết quả rất tích cực.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn quốc tế không đơn thuần là tạo ra nguồn nhân lực có bằng cấp chứng chỉ, đây phải là nguồn nhân lực được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế với các kỹ năng cao đáp ứng được nhu cầu không ngừng tăng lên của khách hàng quốc tế trong quá trình sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ “nhân lực”.
Cùng với đó, người lao động phải được trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường cạnh tranh sòng phẳng với lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn chóng mặt trên phạm vi toàn cầu.
Để đạt được những yêu cầu trên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần xác định đúng ngành, nghề trọng điểm khu vực và quốc tế cũng như trong nước đang có nhu cầu lớn.
Các trường cần dựa trên việc xem xét tính phù hợp của tất cả các yếu tố như chuẩn quốc tế, đầu ra, chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo, đội ngũ giảng viên, trình độ và mức độ thu hút người học để để từ đó đưa ra những hành động đổi mới sáng tạo trên nền tảng, cơ sở và nguồn lực sẵn có của cơ sở GDNN với sự hỗ trợ từ khu vực công và đối tác nước ngoài.
Quang Trung