Khi số người nhận Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tăng lên, đồng nghĩa với việc số lao động khi về già không có lương hưu cũng đang tăng lên, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động (NLĐ).
Khó khăn sau đại dịch
Vào thời điểm tháng 10/2021, cả nước có hơn 63 ngàn F0 là công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố. Đợt dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm 2021 – 2022 đã khiến 70% người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và sức khỏe.
Dù đến nay cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng những hệ lụy đại dịch covid -19 để lại vẫn kéo dài trong bối cảnh việc làm chưa ổn định, giá cả thị trường “leo thang” đã khiến NLĐ đã khó càng thêm khó. Kết quả khảo sát đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid – 19 có tới 90% công nhân, lao động nhiễm SARS – CoV-2 bị “hội chứng hậu Covid-19” ảnh hưởng trực tiếp công việc, năng suất lao động.
Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, đến tháng 08/2021, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm hơn 1,4 triệu người so với thời điểm cuối năm 2020. Một số NLĐ bị dừng đóng bảo hiểm hoặc gián đoạn, nguyên nhân do tình hình dịch bệnh NLĐ về quê và không trở lại thành phố, chưa kể tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghề nghiệp… Điều này ảnh hưởng lớn tới quyền lợi NLĐ nhất là những lúc ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…
Thiệt lớn khi rút tiền hưởng BHXH một lần
Tại TP Hồ Chí Minh, có 37.000 hồ sơ xin rút BHXH trong 3 tháng đầu năm 2022. Đó là con số tăng đột biến sau cơn đại dịch, khi NLĐ rơi vào tình trạng khó khăn, bức bách về nhu cầu tài chính. Tuy nhiên đến tháng 04/2022, con số này đã giảm dần do công tác tuyền truyền, ý thức của NLĐ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, NLĐ nhận BHXH một lần chỉ nhằm vào việc giải quyết tài chính trước mắt, nhưng về lâu dài việc nhận BHXH một lần sẽ khiến NLĐ bị thiệt thòi khi số tiền nhận BHXH một lần được ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng.
Cụ thể, một năm mức đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương, trong khi NLĐ chỉ nhận được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 02 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần sẽ không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ BHXH khác. NLĐ sẽ mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ đi thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.
NLĐ không có lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống khi về già và phải sống phụ thuộc vào con cái hoặc người thân khi không còn khả năng lao động. Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền.
Mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí KCB) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ. Thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tử tuất nếu người đã nhận BHXH một lần không may qua đời.
Các tình huống so sánh trường hợp NLĐ nhận BHXH một lần với việc nhận lương hưu hằng tháng như sau:
Thứ nhất, tình huống so sánh theo quy định chung :
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị B năm 2022 đủ 55 tuổi 08 tháng, đến hết năm 2019 đã tham gia BHXH được 18 năm (từ năm 2002-2019). Giả định Bà B thọ 76,3 tuổi (tuổi thọ trung bình theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tuổi thọ của nữ giới), không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH, có các kết quả như sau:
- Nếu Bà B quyết định nhận BHXH một lần thì có mức hưởng là:
(12 năm X 1,5 tháng lương) + (6 năm X 2,0 tháng lương) = 30 tháng lương
Theo đó, thời gian đóng BHXH đã được tính hưởng BHXH một lần của NLĐ sẽ không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH khác; Không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ về an sinh xã hội; Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; Phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần (12 tháng); Mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc đủ điều kiện hưởng nhưng mức hưởng thấp do bị trừ thời gian đóng BHXH đã nhận một lần.
- Nếu Bà B đóng BHXH thêm 02 năm cho đủ 20 năm (đảm bảo điều kiện về số năm tham gia BHXH để được hưởng lương hưu) thì mức hưởng lương hưu Bà B nhận được trong khoảng 20 năm 7 tháng là: 247 tháng x 55% = 135,85 tháng lương.
Ngoài lương hưu lĩnh hằng tháng, Bà B còn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật BHXH bao gồm:
– Được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
– Được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe (hằng tháng quỹ BHXH đóng bằng 4,5% mức lương hưu).
– Thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi Bà B qua đời gồm có: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất (Trợ cấp tuất một lần mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết. Hoặc trợ cấp tuất hàng tháng với số thân nhân được hưởng tối đa là 04 người, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở).
Thứ hai, so sánh về trường hợp giả định có mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Ví dụ: Một NLĐ có đủ 20 năm đóng BHXH (từ năm 2001-2020), với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là 4.000.000 đồng/tháng. Giả định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2022, lương hưu hưởng đến khi chết, không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng tiền lương, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu, lãi suất đầu tư quỹ BHXH, thì NLĐ sẽ nhận được số tiền như sau:
Lao động nam | Lao động nữ | |
Nhận lương hưu | – Lương hưu: Tỷ lệ hưởng 45%, mức lương hưu là 1.800.000 đồng/tháng.
Tính theo tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi (theo kết quả công bố của Tổng cục Thống kê năm 2020) thì số tháng hưởng lương hưu khi nghỉ hưu ở tuổi 60 tuổi 6 tháng đến khi chết là 126 tháng. Vậy tổng tiền lương hưu nhận được là: 126 x 1.800.000 đồng = 226.800.000 đồng |
– Lương hưu: Tỷ lệ hưởng 55%, mức lương hưu là 2.200.000 đồng/tháng.
Tính theo tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,3 tuổi thì số tháng hưởng lương hưu khi nghỉ hưu ở tuổi 55 tuổi 8 tháng đến khi chết là 247 tháng. Vậy tổng tiền lương hưu nhận được là: 247 x 2.200.000 đồng = 543.400.000 đồng |
– Mua thẻ BHYT (4,5% lương hưu hằng tháng: 4,5% x 126 x 1.800.000 = 10.206.000 đồng | – Mua thẻ BHYT (4,5% lương hưu hằng tháng): 4,5% x 247 x 2.200.000 = 24.453.000 đồng | |
– Trợ cấp mai táng phí (10 tháng lương cơ sở): 14.900.000 đồng | – Trợ cấp mai táng phí (10 tháng lương cơ sở): 14.900.000 đồng | |
– Trợ cấp tuất một lần (03 tháng lương hưu trước khi chết): 5.400.000 đồng | – Trợ cấp tuất 1 lần (03 tháng lương hưu trước khi chết): 6.600.000 đồng | |
Tổng số tiền được hưởng từ quỹ BHXH
khi hưởng lương hưu là 257.306.000 đồng |
Tổng số tiền được hưởng từ quỹ BHXH
khi hưởng lương hưu là 589.353.000 đồng |
|
Nhận BHXH một lần | Giả sử NLĐ có 20 năm đóng BHXH mà đủ điều kiện hưởng BHXH một lần thì số tiền nhận BHXH một lần sẽ là:
4.000.000 đồng x (1,5 x 13 năm + 2 x 7 năm) = 134.000.000 đồng |
|
Số tiền chênh lệch | Lao động nam hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận BHXH một lần:
257.306.000 đồng – 134.000.000 đồng = 123.306.000 đồng |
Lao động nữ hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận BHXH một lần:
589.353.000 đồng – 134.000.000 đồng = 455.353.000 đồng |
Đây chỉ là ví dụ về trường hợp NLĐ đóng BHXH tối thiểu 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu tham gia BHXH nhiều hơn thì mức hưởng sẽ cao hơn, chưa kể đến mức hưởng lương hưu còn được điều chỉnh tăng và khi NLĐ sống càng thọ thì tiền hưởng lương hưu sẽ càng nhiều hơn.
Như vậy, có thể thấy rõ việc NLĐ được hưởng chế độ hưu trí sẽ có nhiều quyền lợi hơn lựa chọn nhận BHXH một lần. Hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.
Bảo lưu thời gian tham gia hoặc đóng tiếp BHXH để có cơ hội hưởng chế độ hưu trí, không nhận BHXH 1 lần là góp phần bảo đảm an sinh cho bản thân, mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Vì thế, NLĐ cần cân nhắc kỹ “được” và “mất” khi nhận BHXH một lần, tránh được lợi trước mắt mà thiệt thòi lâu dài.
Uyển Nhi