Giúp người bệnh ổn định tâm lý, hỗ trợ thủ tục khám chữa bệnh, giải đáp thắc mắc, kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ…là công việc mà các nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai (BVBM)chú tâm thực hiện.Họ đưa vai “gánh đỡ” cho bệnh nhân vượt qua những thời điểm khó khăn, giành lại sự sống.
Đối với nhiều người, nghề Công tác xã hội (CTXH) là một khái niệm còn mới, đặc biệt trong bệnh viện càng xa lạ.Trên thực tế, công việc này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đã có không ít bệnh nhân do hoàn cảnh khó khăn đã bỏ lỡ cơ hội được cứu sống vì không có sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
BVBM là nơi thường tiếp nhận những ca bệnh nặng, hoàn cảnh khác biệt từ mọi miền đất nước. Do đó, số lượng bệnh nhân đông, tình trạng sức khỏe và điều kiện tài chính đa dạng khiến công tác tiếp đón, hỗ trợ, xử lý thông tin người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Trước nhu cầu bức thiết, phòng CTXH BVBM được thành lập ngày 28/05/2015 với mục đích: Chăm sóc sức khỏe toàn diện “y tế – tâm lý – xã hội”, từng bước xây dựng, cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà người bệnh.
Nhiệm vụ cụ thể của phòng CTXH trong bệnh viện là: Tiếp đón, hướng dẫn, tư vấn cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh; Tham gia ekip điều trị; Hỗ trợ tâm lý cho người bệnh; Hỗ trợ giải quyết trường hợp người bệnh không có người nhận/bị bỏ rơi/tử vong không có người nhận; Vận động tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ kinh phí điều trị cho người bệnh; Quản lý thông tin và các kênh truyền thông của bệnh viện…
Nhân viên CTXH như “người thân” của bệnh nhân
Bệnh nhân đến BV có nhiều tầng lớp, vùng miền, nên nhân viên làm CTXH phải như “người thân”, am hiểu tâm lý, mong muốn của người bệnh. Điều đó đòi hỏi cũng phải có kỹ năng giao tiếp tốt và thấu hiểu tình huống để biết cách xử lý khéo léo, linh hoạt.
Nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, Phòng CTXH thường tổ chức hội nghị, hội thảo và mời các chuyên gia đến tập huấn, bổ sung kiến thức cho mạng lưới CTXH theo định kỳ. BV cũng tiếp nhận, kiểm huấn và hướng dẫn sinh viên thực tập chuyên ngành.
Trên thực tế, công việc này đòi hỏi người làm phải bình tĩnh, kiên nhẫn. Có sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực, nhanh nhẹn trong nắm bắt và xử lý thông tin…thậm chí, cần có nghiệp vụ điều tra để xác minh thông tin, hoàn cảnh thật của người bệnh đang cần hỗ trợ.
Có không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không muốn điều trị vì kinh phí, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có trường hợp, người bệnh được đưa tới cấp cứu nhưng không rõ danh tính…Lúc này, người làm CTXH cần nhờ báo chí hỗ trợ, kêu gọi nhà hảo tâm, liên hệ cơ quan công an để tìm người nhà, địa chỉ của bệnh nhân…
Chị Nguyễn Thị Hạ, nhân viên phòng CTXH nhớ lại, khoảng tháng 10/2019, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ tên là Bùi Thị Trang được chuyển đến từ BVĐK Hà Đông (Hà Nội), trong hồ sơ bệnh án có ghi nguyên nhân cấp cứu là ngất xỉu trên xe buýt, địa chỉ ở Thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Chị Hạ ngay lập tức liên hệ với công an phường Phương Mai, quận Đống Đa (cơ quan quản lý trật tự xã hội quản lý địa phương) nhưng sẽ cần vài ngày để xác minh, điều tra thông tin về người nhà bệnh nhân.
Nếu phải chờ lâu, có lẽ tình trạng của bệnh nhân sẽ diễn biến xấu. Bằng tất cả kinh nghiệm và sự nhanh nhẹn về tra cứu thông tin, chị Hạ đã tìm kiếm trên internet và liên hệ được với chị Bùi Thị Minh Thúy – Phó chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài. Chị Hạ đã gửi hình ảnh bệnh nhân cũng như thông báo về tình trạng khẩn cấp của bệnh nhân.
Chỉ 2 giờ sau, chị Thúy đã liên hệ lại chị Hạ thông báo đã tìm được người nhà bệnh nhân Trang. Gia cảnh bệnh nhân rất khó khăn và bố mẹ Trang đã tìm con suốt 2 năm nhưng vô vọng. Họ nghĩ con gái bị bắt cóc.
Sau đó, Lãnh đạo Thị xã Đồng Xoài đã kêu gọi được 16 triệu đồng để hỗ trợ bố mẹ Trang ra Hà Nội gặp con. Vì quá mong nhớ và muốn bù đắp cho con, gia đình quyết định đưa Trang về BVĐK tỉnh Bình Phước điều trị. Toàn bộ chi phí cấp cứu của Trang tại BV là 33.700.000 đồng, do gia đình không có khả năng thanh toán nên đã được Phòng CTXH kêu gọi, hỗ trợ toàn bộ.
Làm CTXH phải có tâm huyết vì cộng đồng
Thực tế cho thấy, nghề CTXH hỗ trợ các cơ quan, đơn vị hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn, hữu ích cho sự phát triển của xã hội nói chung và ngành y nói riêng. Tuy nhiên, đây lại là nghề mới, các yếu tố chuyên môn về mã ngành, bậc lương, giáo trình, phương pháp đào tạo…còn nhiều bất cập.
Hiện nay, người làm CTXH ở nhiều địa phương vẫn chưa được phân công cụ thể mà chỉ kiêm nhiệm, mức lương thấp. Do vậy, nếu không tâm huyết vì cộng đồng, đam mê tìm thấy niềm vui trong công tác này sẽ rất nhanh chán nản, bỏ việc.
BVBM có mạng lưới CTXH vững chắc, hiệu quả là nhờ có mô hình hoạt động tinh gọn, phân cấp chuyên môn theo từng tổ công tác và thường xuyên tập huấn kiến thức chuyên ngành, bổ sung kinh nghiệm thực tế.
Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, sinh viên ngành CTXH cần hiểu biết đúng về bản chất công việc cũng như sứ mệnh vì cộng đồng để có thể gắn bó trong tương lai. Trên cơ sở nền tảng bài giảng và những giáo trình sẵn có, người học cần có nhận thức sâu rộng, thu thập kiến thức từ nhiều nguồn và trải nghiệm kinh nghiệm thực tiễn trước khi làm nghề.
Chị Hạ bộc bạch: “Dẫu công việc vất vả, nhưng khi bệnh nhân được cứu chữa, chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của họ và người nhà, nhân viên CTXH lại có động lực để hoàn thành công việc tốt hơn nữa. Có thể nói, CTXH là nghề đưa vai ‘gánh đỡ’ khó khăn cho người bệnh và nhận về niềm vui trong cuộc sống./.
Ngô Diệp