Theo dự kiến, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về mức nới trần làm thêm giờ được Chính phủ đề xuất, dù câu trả lời này không hề dễ dàng.
Phải nhìn nhận thực tế
Rậm rạp chuẩn bị từ nửa năm trước, nhưng đề xuất nới trần làm thêm giờ chỉ mới chính thức được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 (ngày 10/3) vừa qua với những con số quen thuộc. Đó là, nâng số giờ làm thêm trong một tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc theo Bộ luật Lao động.
Đây là quy định khác so với Bộ luật Lao động năm 2019, nên việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 xem xét, quyết định thông qua.
Đồng tình với căn cứ trên, song theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, về giới hạn làm thêm trong một tháng, nếu chỉ so sánh đơn thuần các con số với nhau, thì mức tăng đến 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và tăng 240% so với Bộ luật Lao động năm 2012 là quá cao.
Nhưng những con số khác được nêu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay sau khi Chính phủ trình lại cho thấy, dường như những so sánh trên còn mang nặng tính lý thuyết.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, từ tháng 4/2020 đến nay, mấy chục ngàn cán bộ y tế, công an, quân đội làm việc 24/24 giờ trong một ngày, chứ không phải chỉ 72 giờ/tháng. Rồi ngay ở Văn phòng Quốc hội, một số đơn vị khi quân số giảm đến 50% vì nhiều người trở thành F0, F1, những người còn lại chỉ trong một tuần đã làm thêm đến 40 giờ. Thế nhưng, họ chỉ được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định (không quá 40 giờ/tháng, 200 giờ/năm). “Chúng ta quy định giờ làm thêm thấp để bảo vệ người lao động hay làm hại họ”, ông Định đặt vấn đề.
Cho rằng ông Định nói rất chính xác, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cung cấp thêm thông tin, tại Văn phòng Quốc hội năm 2020, cao nhất có người làm thêm 700 giờ, còn năm 2021, có người làm thêm đến 900 giờ. “Thực tế là làm như thế thật. Nhưng kiểm toán lại không đồng ý cho thanh toán, quyền lợi của người lao động cũng không bỏ được. Cuối cùng, kiểm toán không dám kết luận xuất toán chỗ này”, ông Cường nói và cho rằng, cần nghiên cứu thực tiễn khi ban hành quy định mới.
Bối cảnh lúc này hết sức đặc biệt, không nên lấy lý luận và nguyên tắc lúc làm luật ở thời điểm bình thường để quyết định. Đó là điều được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh và nhận được sự đồng tình của một số ý kiến khác.
Những thông tin ông Định và ông Cường đưa ra cho thấy thực tế, cuộc sống có những lúc đang bỏ xa quy định của luật, nhưng nỗi lo của cơ quan thẩm tra và nhiều vị đại biểu Quốc hội dồn vào mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp nhiều hơn. Bởi những đối tượng đặc biệt như nhân viên y tế hay những lực lượng khác trong chống dịch thì đã có quy định làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, được quy định tại Điều 108, Bộ luật Lao động.
Những lo lắng không thừa
Còn ở khu vực doanh nghiệp, chuyện giới chủ “lách luật” không còn mới mẻ nữa.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra đề xuất của Chính phủ) cho rằng, sở dĩ Bộ luật Lao động phải có quy định các trường hợp làm thêm từ 200 đến 300 giờ phải có thông báo cơ quan quản lý nhà nước về lao động của UBND cấp tỉnh là vì “quy định này nói chung là bị vi phạm”. Theo bà, “trong điều kiện quản lý nhà nước còn yếu kém như thế này”, thì khi quy định mới về làm thêm giờ được ban hành, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Văn Thuật cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung những biện pháp mang tính đồng bộ để vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, như cơ chế phòng ngừa sự lạm dụng, cơ chế bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, chế độ phúc lợi sau khi tăng giờ làm thêm…
Trở lại lý do đưa ra đề xuất khác luật là dựa vào quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 “Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới”, tức là đề xuất phải có liên quan đến ứng phó với Covid-19.
Vẫn dựa trên yếu tố này, nhưng ở góc nhìn khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về vấn đề an toàn lao động và bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Bởi vì, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài gần 2 năm vừa qua và có thể còn kéo dài, một bộ phận người lao động bị giảm sút sức khỏe cả về thể chất và tinh thần do mất việc làm, thu nhập giảm sút, hoang mang lo lắng về dịch bệnh, ăn uống thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó, điều kiện thể lực người lao động Việt Nam còn hạn chế…
Hơn nữa, một bộ phận người lao động do đời sống khó khăn gay gắt, có thể chấp nhận làm thêm giờ ở mức tối đa (110 giờ/tháng) để tăng thu nhập. Song thực trạng này dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động, ảnh hưởng sức khỏe nòi giống trong tương lai.
Ngay cả cơ quan tham mưu chính sách (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trong báo cáo đánh giá tác động chính sách cũng nêu rõ, tác động kinh tế đối với việc mở rộng tổng số giờ làm thêm trong tháng lên tối đa 72 giờ cho thấy lợi ích đối với người sử dụng lao động và Nhà nước sẽ tăng so với phương án hiện hành. Đặc biệt, đối với người sử dụng lao động, tăng khung thời gian làm thêm giờ trong tháng sẽ giúp tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo nhân công mới và quản lý nhân công.
Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng người lao động, bên cạnh tác động tích cực về việc tăng thu nhập, thì làm thêm giờ nhiều có thể dẫn đến tác động tiêu cực về kinh tế. Cụ thể, làm thêm giờ có thể tăng khả năng bị tai nạn lao động, tăng nguy cơ giảm sút sức khỏe, vì vậy, người lao động có thể sẽ mất thêm chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích xã hội khác.
Vì thế, không phải không có lý khi tham gia thẩm tra đề xuất nới trần làm thêm giờ, nhiều ý kiến từ các cơ quan của Quốc hội cho rằng, mức 60 giờ/tháng là phù hợp.
Tăng lên 72 giờ là thiếu thuyết phục
Tham gia thẩm tra đề xuất nới trần làm thêm giờ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, báo cáo đánh giá tác động chưa đưa ra được cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đề xuất tăng giờ làm thêm từ 40 lên 72 giờ trong tháng, mà chỉ tham khảo quy định số giờ làm thêm trong tháng của một số quốc gia.
Trong đó, mức 72 giờ chỉ có thiểu số quốc gia áp dụng. Đây đều là các quốc gia thiếu lao động, phải nhập khẩu lao động, thể trạng, điều kiện làm việc và thu nhập của lao động ở các quốc gia này đều tốt hơn nhiều so với Việt Nam.
Hơn nữa, báo cáo đánh giá tác động chưa đưa ra được khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về vấn đề này. Do đó, việc đề xuất tăng giờ làm thêm hơn 1,8 lần so với quy định của Bộ luật Lao động là thiếu thuyết phục.
Theo baodautu.vn