01/03/2022 8:01:22

Ukraine xin gia nhập EU

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa ký một văn kiện lịch sử, đó là đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Andrii Sybiha, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, thông báo trên Twitter hôm 28/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine ký đơn xin gia nhập EU, trong bối cảnh Nga mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky lên tiếng kêu gọi EU “nhanh chóng” kết nạp Ukraine vào khối.

“Chúng tôi kêu gọi EU kết nạp Ukraine ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt. Mục tiêu của chúng tôi là được đứng cạnh tất cả các quốc gia châu Âu”, ông Volodymyr Zelensky nói.

Ukraine hiện không được công nhận là ứng viên chính thức cho tư cách thành viên EU, dù quốc gia này là một phần của thỏa thuận liên kết với EU, trong đó hai bên đồng ý gắn kết nền kinh tế trong các lĩnh vực nhất định và làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị kể từ năm 2017.

Hai ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, Tổng thống Zelensky thông báo ông đã trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel về tư cách thành viên của Ukraine trong EU. Michel sau đó nói rằng sẽ hỗ trợ hơn nữa Ukraine và người dân nước này.

Động thái của Ukraine diễn ra một ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố muốn Ukraine tham gia EU. “Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ tham gia”, bà nói.

Tuy nhiên, bà nói việc gia nhập sẽ không diễn ra lập tức bởi quá trình này liên quan đến tích hợp thị trường Ukraine vào EU. Trang web riêng của EU cũng nhấn mạnh “trở thành thành viên EU là thủ tục phức tạp không thể diễn ra trong một sớm một chiều”.

Một quốc gia chỉ có thể nộp đơn vào EU khi đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng euro. Sau đó, quốc gia sẽ nộp đơn lên Hội đồng châu Âu, bên sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của ứng viên.

Nếu đánh giá của ủy ban thuận lợi, Hội đồng châu Âu phải nhất trí khuôn khổ chính thức cho quá trình đàm phán giữa các bộ trưởng và đại sứ của các chính phủ EU và nước ứng viên.

Năm quốc gia đang trong quá trình tích hợp luật pháp của EU vào luật quốc gia là Albania, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước khác là Kosovo cũng như Bosnia và Herzegovina được xếp vào nhóm “ứng viên tiềm năng” vì chưa đáp ứng các tiêu chí để đăng ký thành viên.

Hôm 27/2, EU thông báo sẽ “tài trợ cho việc mua và chuyển giao vũ khí” cho Ukraine. Khối cũng cấm các phương tiện truyền thông Nga như RT và Sputnik, cáo buộc các cơ quan này phát tán “thông tin sai lệch có hại”.

Các biện pháp này bổ sung cho hàng loạt lệnh trừng phạt mà EU đã áp dụng đối với nền kinh tế Nga trước đó trong các lĩnh vực ngân hàng cũng như đối với hàng trăm quan chức, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong diễn biến liên quan đến tình hình Nga – Ukraine, hai bên đã đi bước đầu trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình. Theo đó, phái đoàn của Moskva và Kiev đã kết thúc cuộc đàm phán đầu tiên hôm 28/2. Sau thời gian tham vấn, hai bên sẽ tiếp tục quay lại bàn đàm phán vào những ngày tới.

Vương Tâm