26/01/2022 3:28:44

Hội nhập quốc tế về an toàn vệ sinh lao động: Thành công và thách thức mới

Hội nhập quốc tế về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những nỗ lực nổi bật của Việt Nam trong gần một thấp kỷ qua. Việc thúc đẩy ATVSLĐ tại nơi làm việc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các dịch vụ ATVSLĐ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an toàn lao động thời gian qua đã góp phần quan trọng việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Chính phủ.

Huấn luyện an toàn lao động trên giàn giáo cho sinh viên tại CĐN Công nghiệp Hà Nội

Qui trình kỹ thuật, qui chuẩn quốc gia  ATLĐ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế

Theo Bộ LĐ-TB&XH những năm qua, công tác ATVSLĐ được đẩy mạnh từ trung ương tới địa phương góp phần giảm thiểu tại nạn lao động, từng bước hình thành môi trường làm việc văn hóa, thân thiện, an toàn.

Hệ thống chính sách pháp luật về ATVSLĐ từng bước được hoàn thiện, trong đó Luật ATVSLĐ quy định “Các biện pháp phòng chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động” gồm 21 điều (từ Điều 13 đến Điều 33), được chia làm 4 mục với nội dung hướng tới việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố gây mất ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó những nỗ lực quốc gia từ trung ương tới địa phương trong việc cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được đẩy mạnh thông qua hệ thống chính sách và các chương trình quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Các nội dung quy định thúc đẩy ATVSLĐ được hoàn thiện phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ, tiếp cận các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đặc biệt là Công ước 187 về tăng cường công tác ATVSLĐ.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành 36 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; an toàn đối với các công trình vui chơi công cộng. Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ được gửi cho Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam) để lấy ý kiến của các nước thành viên của WTO và các nước thành viên thuộc các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên cho ý kiến trước khi ban hành. Vì vậy, các quy định về kỹ thuật tại các Quy chuẩn quốc gia về ATLĐ đã ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định các biện pháp có tính kỹ thuật là tương đối phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó là các hoạt động nhằm thúc đẩy thông tin, tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp để triển khai các chính sách.

Trên cơ sở đó, các địa phương cơ bản đã chủ động triển khai Luật ATVSLĐ, các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ, doanh nghiệp và người lao động được quan tâm triển khai, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, đáp ứng các yêu cầu mới của hội nhập quốc tế.

Thách thức trong bối cảnh mới

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với quan điểm: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 – 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.

Huấn luyện an toàn lao động nghề điện cho sinh viên CĐN Công nghiệp Hà Nội

Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.

Tăng trưởng xanh phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước.

Tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.

Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

Chiến lược cũng đề ra mục tiêu Xanh hóa các ngành kinh tế. Cụ thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao Chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đây cũng là những thách thức đòi hỏi công tác ATLĐ đổi mới, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn trong nền kinh tế Xanh.

Hoàng Hải