Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về Hội nhập quốc tế. Ngày 13/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược tại Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 20/01/2016 (Chiến lược 145).
Tiếp cận xu hướng toàn cầu trong chính sách bảo hiểm xã hội
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, sau 5 năm thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội (Chiến lược 145), Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu được quốc tế ghi nhận, tiếp tục là điểm sáng về giảm nghèo và phát triển bền vững. Trong đó nổi bật là hội nhập quốc tế về an sinh xã hội trên 4 lĩnh vực: Bảo hiểm xã hội (BHXH); giảm nghèo bền vững; thúc đẩy công bằng xã hội; bảo đảm quyền trẻ em.
Chiến lược cải cách chính sách BHXH của Việt Nam được thực hiện theo xu hướng chung của toàn cầu; mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH theo hướng đa tầng, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện, đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ BHXH. Chính sách BHXH thực hiện theo xu thế hội nhập quốc tế, theo đó, chế độ thai sản không chỉ đối với lao động nữ mà cả cho lao động nam; chế độ hưu trí được sửa đổi để giảm sự phân biệt đối xử giữa người lao động làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước; giữa nam và nữ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để đảm bảo quyền lợi BHXH cho người lao động di cư, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc đàm phán và ký kết Hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức); cải cách chính sách BHXH về việc rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH.
Giảm nghèo đa chiều với các chính sách phát triển toàn diện (ảnh ông Hồi)
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 phù hợp với xu hướng quốc tế) cả nước đã giảm từ 9,88 cuối năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020 (bình quân giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu 1-1,5%/năm theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo nâng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước lên 1,4 lần cuối năm 2018, và 1,6 lần cuối năm 2020 và so với cuối năm 2015.
Cải thiện điều kiện sống, thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, góp phần đưa 8/64 huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 145/292 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 125 xã, 1.298 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Huy động quốc tế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 400 tỷ đồng.
Đánh giá chung kết quả triển khai các hoạt động hội nhập về an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020 cho thấy Việt Nam về cơ bản đã thành công bước đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự của Liên Hiệp quốc. Hệ thống luật pháp chính sách phát triển xã hội được bổ sung và hoàn thiện, diện hưởng thụ chính sách ngày càng mở rộng, mức độ hỗ trợ tăng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan:
Trên 10.000 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công
Với quan điểm “tất cả người có công đều phải được hưởng đầy đủ chính sách và đời sống người có công ngày được nâng cao”, Bộ LĐ-TB7XH đã tham mưu Ban Bí thư ban hành và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; tham mưu xây dựng và hoàn thiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh), được ban hành lần đầu tiên năm 1994 và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện qua qua 7 lần sửa đổi vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và gần đây nhất là ngày 09/12/2020 tại Phiên họp lần thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) và có hiệu lực kể từ 01/7/2021. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, gồm: 12 văn bản giai đoạn 2005-2007; 15 văn bản giai đoạn 2007-2012; giai đoạn 2012 -2020: 19 Nghị định, 04 Quyết định và 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 11 Thông tư, Thông tư liên tịch nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Pháp lệnh để hướng dẫn, triển khai thực hiện.Năm 2021.
Đến nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. Chế độ ưu đãi người có công đã được xây dựng và thực hiện ngoài trợ cấp còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm,… Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp hằng tháng tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên mức 1.624.000 đồng năm 2020.
Đến cuối năm 2020 có 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; triển khai Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Bộ LĐ-TB&XH đã thẩm định “Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, với tổng số 393.707 hộ (trong đó, đề nghị xây mới là 184.695 hộ, đề nghị sửa chữa là 209.012 hộ), ngân sách nhà nước đã cấp kinh phí cho các địa phương thực hiện với số tiền là 10.654 tỷ đồng.
Phúc Nguyên