14/01/2022 6:16:16

Mâm cỗ Tết 3 miền Việt Nam có gì?

Năm cũ sắp qua, năm mới đang đến gõ cửa từng nhà làm cho không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Tết đến – Xuân về là thời điểm chúng ta về bên gia đình, cùng nhau đón một năm mới với nhiều điều tốt lành và bình yên. Những ngày này, sẽ không còn chỗ để công việc chen chân nữa. Đây khoảng thời gian quý báu dành riêng cho gia đình của mình với một tinh thần lạc quan và tích cực nhất.

Sẽ không bao giờ quên được không khí của gia đình ngày đầu năm mới với đầy đủ thành viên trong nhà, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười hoà lẫn trong ca khúc nhạc xuân quen thuộc. Những bữa cơm quây quần, trò chuyện tâm tình chính là cách để xoá bỏ khoảng cách giữa các thế hệ sau một năm đầy bận rộn và hối hả.

Chính vì thế, mâm cỗ vào dịp Tết lại càng được các bà, các mẹ và các chị chuẩn bị chu đáo hơn. Những mâm cỗ thịnh soạn có sức quyến rũ khác thường, vừa là tỏ lòng tôn kính thiên địa, tổ tiên,… vừa là tấm lòng mong muốn đem lại niềm vui và sức khỏe cho gia đình, bạn bè cùng thưởng thức trong những ngày đón Xuân mới.

Mâm cỗ Tết ở miền Bắc

Cỗ Tết miền Bắc, tiêu biểu là mâm cỗ Tết Hà Nội, thường được xác định theo cơ cấu “4 bát, 4 đĩa” hay “6 bát, 6 đĩa” hoặc “8 bát, 8 đĩa” tuỳ theo gia đình và thói quen của gia chủ. Số lượng các món ăn đựng trong bát, đĩa xác lập nên mâm cỗ, có nghĩa là tất cả các món ăn ngày xưa được bày lên một cái mâm tròn – có lời tục rằng: “Mâm cao cỗ đầy” là chỉ từ việc này mà ra. Các món ngon ngày Tết ở miền Bắc không lẫn vào đâu được, bao gồm dưa hành, giò thủ, thịt đông, giò nạc, thịt bò kho quế, nem rán, chân bò hầm măng,…Bánh Tết thì phổ biến có bánh chưng ăn kèm dưa hành – món ăn không lẫn với các món dưa muối khác. Món ngọt thì có chè kho, mứt gừng, mứt hạt sen, mứt quất nhâm nhi cùng dăm cốc chè đắng sau bữa cỗ.

Mâm cỗ Tết ở miền Trung

Miền Trung với thời tiết khắc nghiệt và khí hậu đặc trưng nên nét văn hóa ẩm thực cũng tạo sự khác biệt ứng với tinh thần tiết kiệm, san sẻ của con người miền Trung. Nơi đây, mâm cỗ Tết có sự trang trọng nhưng giản dị và chân thành. Mâm cúng đất phải có bộ Tam Sinh gồm miếng thịt heo, con cua, quả trứng luộc.

Cỗ cúng ông bà được coi là “hào soạn” gồm đủ các loại thịt, cá ở 3 cõi: thượng cầm, hạ thú và thuỷ tộc. Mâm cúng giao thừa chỉ chú trọng sự thanh tao, ngọt ngào nên chỉ có hoa quả, bánh mứt và xôi chè. Cỗ Tết ở đây có thịt heo (kho tàu, luộc), gà luộc, tôm rim, trứng chiên, ché, nem, tô canh cá, giá xào hoặc rau xào, giò lụa, mít trộn,…

Ngoài ra còn có các món cuốn bánh tráng như nem lụi hoặc cá hấp, cá nướng dùng kèm với dưa món, củ kiệu. Bánh tét ăn với dưa hành, bánh tổ – loại bánh Tết đặc thù của xứ Quảng. Tráng miệng thì có bánh đậu xanh, bánh thuẫn, bánh in bột nếp, bánh gừng, mứt dừa, mứt bí đao, mứt khoai lang, mứt sen,… Đặc biệt phần lớn các loại bánh ngọt (trừ bánh tổ, bánh gừng,…) đều được sấy khô – gọi chung là “bánh khô” nên bảo quản được rất lâu.

Mâm cỗ Tết ở miền Nam

Cỗ tết miền Nam từ xưa cho tới đầu thế kỷ 20 vẫn mang trong mình tính “hương đồng cỏ nội”, bình dân và ấm áp với thịt kho hột vịt cùng với dưa giá hay dưa chua, vịt hầm măng khô, canh chua cá lóc, mắm tép, thịt heo luộc thái lát còn gọi là “thịt phay”. Bên cạnh đó không thể thiếu canh khổ qua dồn thịt, gỏi ngó sen tôm thịt, nem chua, lạp xưởng tươi, tai heo ngâm dấm, chả giò, tôm khô củ kiệu, phá lấu,… Bánh tét nhân đậu, nhân chuối hoặc nhân trứng vịt muối rất độc đáo và nhiều vị được gói trong lá cẩm hay lá dứa. Ngoài ra còn có bánh ít, bánh phồng cùng các loại mứt trái cây đủ thứ như mứt đu đủ, mứt dừa, mứt mãng cầu, mứt củ năng, mứt me, mứt chùm ruột,… đặc biệt không thể thiếu hạt dưa nhuộm đỏ để cắn lách tách rộn ràng những ngày Xuân.

Tuy nhiên, nếu ăn uống không cẩn thận, không hợp vệ sinh, không đúng quy cách cũng gây ra bao điều phiền toái, bao bệnh hiểm nghèo ngay lập tức hoặc lâu ngày sẽ kéo đến. Ẩm thực Tết có rất nhiều món giàu đạm và chất béo như bánh chưng, thịt kho trứng, lạp xưởng, cá kho, đồ ăn chiên xào,… Ngoài ra còn có các món nhiều muối như dưa cà, củ kiệu, thực phẩm chế biến sẵn. Những món ăn này đều dễ dẫn đến khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, thậm chí còn có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá khi ăn quá nhiều.

Với lịch trình bận rộn ngày Tết cùng với những bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, chất cồn từ rượu bia, không ít người sẽ quên mất việc cung cấp đủ lượng nước thiết yếu mỗi ngày cho cơ thể. Điều này khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng nóng trong người, táo bón, thậm chí là rối loạn thân nhiệt. Chưa kể, nếu duy trì việc cơ thể thiếu nước nhiều ngày, chúng ta sẽ đối mặt với việc nhan sắc “xuống cấp” trầm trọng sau những ngày Tết.

Chính từ đó, việc ăn uống cùng với nhiều loại rau quả ngày Tết cũng phần nào giúp cho chúng ta bù đắp vitamin, nước, chất xơ trong cơ thể. Khi chúng ta cùng quan tâm đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần thì sẽ có những ngày nghỉ Tết vừa vui vừa khỏe, sẵn sàng đón chào một năm mới trong niềm hân hoan và tràn đầy năng lượng.

Quang Trung