Diễn đàn sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/11 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với chủ đề Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quân nói về vấn đề nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.
Đây là thông tin được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết về Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam (Skilling up Vietnam) với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, trong cuộc họp báo chiều 11/11.
Đây là diễn đàn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung chuyên sâu về kỹ năng lao động Việt Nam. Dự kiến, diễn đàn thu hút 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia, trong đó có đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực…
Diễn đàn được tổ chức nhằm khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Đồng thời, đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, theo tín chỉ đặt hàng và thị trường lao động.
Đây cũng là dịp để đánh giá kết quả thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp sau 3 năm triển khai.
Kết thúc, diễn đàn sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, cũng như chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển kỹ năng nghề.
Tăng cường hợp tác DN với trường nghề
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân khẳng định: Hiện lực lượng lao động Việt Nam mới có 24% qua đào tạo. Số còn lại chưa có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Bên cạnh đó, 35% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khoảng 2 năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng gia tăng; đồng thời quan niệm về học nghề từ THCS cũng dần thay đổi. Đây là thời điểm thích hợp để tăng cường sự hợp tác của doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề để nhà trường nâng cao chất lượng và cung ứng nhanh nhất lao động kỹ năng cho doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh của cuộc cách mạng lần thứ 4, lao động Việt Nam chịu nhiều áp lực về chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng môi trường và đào tạo lại. Tôi cho rằng chỉ có một yếu tố duy nhất để thay đổi được giáo dục nghề nghiệp và cung ứng được nhân lực cao tay nghề cao cho xã hội. Đó là tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp” – Thứ trưởng Lê Quân nói.
Phân tích sâu hơn, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng nhà trường và doanh nghiệp có thể dựa vào nhau để giải quyết bài toán áp lực về nguồn nhân lực có tay nghề: “Doanh nghiệp luôn cần nhân có tay nghề nhằm nâng cao năng suất lao động và tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Nhà trường cần “đầu ra” có chất lượng và việc làm ổn định cho người học. Do đó, việc tăng cường sự gắn kết của cả 2 phía sẽ cùng giải quyết bài toán
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã cắt giảm nhiều thủ tục để tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như tạo cơ chế tự chủ thông thoáng hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Tôi kỳ vọng trong 5 năm tới đây là giai đoạn bứt phá trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bởi vì cả hai phía đều có cùng chịu áp lực và động lực” – Thứ trưởng Lê Quân bày tỏ.
3 mục tiêu chính của Diễn đàn
Nói thêm về Diễn dàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, mục đích của Diễn đàn bao gồm: Khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Diễn đàn cũng đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động; Là một dịp để đánh giá kết quả việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp sau 03 năm triển khai; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với xã hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Kết thúc Diễn đàn sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp đột phá phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển kỹ năng, đổi mới, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Diễn đàn chính được tổ chức gồm 3 phiên dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Phiên 1: Nguồn nhân lực có kỹ năng – Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; Phiên 2: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp – Nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Phiên 3: Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh các phiên làm việc chính, Diễn đàn còn có nhiều hoạt động bên lề như: tổ chức 5 Hội thảo chuyên đề với các nội dung: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp gắn kết GDNN với doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo tại doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề.
Diễn đàn cũng sẽ trưng bày các mô hình, hình ảnh và trang thiết bị đào tạo tiêu biểu trong gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp: trên 40 thiết bị đào tạo tiên tiến, tiêu biểu trên diện tích 250m2 ; Hoạt động ký kết Thỏa thuận hợp tác, Ký kết thỏa thuận hợp tác, công bố và trao biên bản ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn và tổ chức quốc tế. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đào tạo, cung ứng nhân lực. Các cơ sở giáo dục nghiệp nghiệp ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp,…
Phan Long