Biến chủng Omicron với tốc độ lây lan chóng mặt tạo ra rất nhiều khó khăn cho các quốc gia châu Âu.
Trên khắp nước Anh và các khu vực khác của châu Âu, những hạn chế mới của chính phủ và sự lo lắng của người dân về biến chủng Omicron, đã làm giảm đáng kể hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán rượu, địa điểm tổ chức sự kiện. Điều này khiến yêu cầu giúp đỡ các doanh nghiệp trở nên cấp bách hơn.
Hôm 22/12, các tổ chức đại diện cho hơn 100.000 doanh nghiệp trên khắp nước Anh đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Boris Johnson, yêu cầu giảm thuế và trợ cấp nhiều hơn. Yêu cầu này cũng được đưa ra ở các quốc gia khác trong khu vực.
Tại Đức, các doanh nghiệp đang thúc giục chính phủ dỡ bỏ các quy định mới về việc xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc từng được điều trị Covid-19.
Trong khi đó, ở Hà Lan, nơi chính phủ đã thông báo phong tỏa vào cuối tuần qua, các cuộc gọi đến cơ quan đăng ký kinh doanh quốc gia để yêu cầu trợ giúp đã vượt qua con số 400 vào ngày 22/12 – gấp 7 lần so với một tuần trước đó.
Hôm 24/12, Anh, Pháp tiếp tục ghi nhận mức tăng kỷ lục ca mắc COVID-19 mới khi chủng Omicron lây lan rộng rãi.
Dữ liệu từ Chính phủ Anh cho biết, hôm 24/12, Anh báo cáo kỷ lục 122.186 trường hợp mắc COVID-19 mới, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp ca nhiễm virus mới ở Anh trên 100.000 người. Trước đó một ngày, ca mắc mới ở nước này là 119.789 trường hợp.
Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đã khiến số ca mắc bệnh tăng vọt trong 7ngày qua tại Anh, đặc biệt là ở thủ đô London. Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết, đến nay, cứ 10 cư dân thủ đô London thì có 1 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đến nay, dù đang phải tiếp tục phải đối mặt với sự gia tăng mạnh số ca nhiễm nCoV mới song Chính phủ Anh vẫn chưa áp đặt thêm hạn chế mới trong kỳ nghỉ lễ.
Các nhà hàng, quán rượu và quán bar ở Anh cho biết kể từ khi chính phủ bổ sung một loạt hạn chế mới, được gọi là “Kế hoạch B”, vào ngày 8/12, nhiều sự kiện đã bị hủy bỏ và dòng người đi bộ đã biến mất ở một số khu vực.
Tại Anh, hôm 21/12, chính phủ đã thông báo viện trợ một tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) cho ngành khách sạn, bao gồm khoản trợ cấp một lần 6.000 bảng Anh và tiền hỗ trợ cho thời gian nghỉ ốm của nhân viên. Khoảng 200.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn và giải trí đủ điều kiện nhận các khoản hỗ trợ mới. Chính phủ cũng sẽ thanh toán chi phí nghỉ ốm theo yêu cầu hợp pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết, chính phủ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, và có thể thực hiện các “hành động tiếp theo” để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tương tự Anh, Pháp cũng liên tục lập kỷ lục ca mắc COVID-19 trong ngày. Giới chức y tế Pháp cho biết, nước này ghi nhận 94.124 trường hợp nhiễm nCoV mới hôm 24/12, trong khi số người nhập viện đạt mức cao nhất trong 7 tháng – gần 16.200 ca.
Số người chết liên quan đến COVID-19 tăng 167 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca thiệt mạng ở Pháp lên 122.462 người. Tổng số ca mắc của Pháp kể từ khi đại dịch bùng phát là 8,98 triệu người, cao thứ bảy trên thế giới. Hôm 21/12, các bộ trưởng Pháp đã công bố khoản viện trợ bổ sung lên tới 12 triệu euro (13,5 triệu USD) cho các công ty du lịch, sự kiện, nhà hàng ăn uống và các công ty cung cấp dịch vụ giải trí trong nhà phải chịu thua lỗ trong tháng này.
Giới chức kêu gọi người dân đi xét nghiệm và chỉ tham gia vào các buổi tụ họp nghỉ lễ nhỏ khi dịch COVID-19 càn quét châu Âu. Theo Thủ tướng Jean Castex, sang năm Pháp sẽ đổi thẻ sức khỏe của nước này thành thẻ vaccine, với nhiều hạn chế hơn đối với người chưa tiêm vaccine.
Chính phủ Pháp hy vọng biện pháp đó sẽ đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron, vốn đã chiếm 20% các ca nhiễm mới ở Pháp.
Hoàng Giang