Trẻ mầm non hiện là đối tượng học sinh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 bởi các em không được học trực tuyến khi trường học đóng cửa.
Các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới đều nhận định thời gian 6 năm đầu đời là giai đoạn “vàng” phát triển của trẻ. Các em phát triển kỹ năng vận động thô, kỹ năng ngôn ngữ thông qua tương tác với cô và bạn, kỹ năng xã hội, làm việc nhóm, phát triển tình cảm- tâm lý… Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến trẻ em trong độ tuổi này tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước mất cơ hội học tập do không được đến trường.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi Quốc hội nêu thực tế:
Với trẻ mầm non, ở nhiều địa phương vì dịch bệnh trẻ không được đến trường, cũng không thể dạy học trực tuyến với lứa tuổi này, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.
Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non.
“Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển”, báo cáo của Bộ nêu.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Học sinh mầm non cũng giống như học sinh các cấp học khác, nếu bị ngắt khỏi môi trường giáo dục hàng ngày, môi trường tương tác với bạn bè đồng trang lứa sẽ rất dễ gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế cho thấy, trong hơn 1 năm vừa qua, việc ở nhà và tách khỏi môi trường giáo dục sẽ làm cho trẻ có một số ảnh hưởng nhất định, nhiều trẻ em gặp tình trạng chậm nói, ngại giao tiếp… Hơn nữa, việc ở nhà thường xuyên và tiếp cận với các video trên mạng không giúp cho trẻ phát triển về khả năng ngôn ngữ. Các trò chơi vận động, tư duy trong quá trình học ở trường cũng không được sử dụng khi trẻ ở nhà như chương trình chuẩn tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với các bé 5 tuổi, chuẩn bị lên lớp 1.
Cũng theo chuyên gia này, việc quay trở lại trường không chỉ để đảm bảo về mặt kiến thức, chương trình giáo dục bắt buộc mà quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi và cơ hội phát triển toàn diện của trẻ như tăng khả năng kết nối, tương tác ở môi trường thực, khả năng giao tiếp, tình cảm xã hội, vận động sức khỏe… Vấn đề này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và đưa ra các chính sách để mở cửa lại trường học đảm bảo an toàn.
Về khả năng lây nhiễm ở trẻ em, bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho hay thông thường trẻ em sẽ mắc COVID-19 sau người lớn và chủ yếu là do người lớn lây cho. Điều thú vị là rất ít khi trẻ em lây cho người khác. Thực tế cho thấy khi trẻ mắc bệnh mà người mẹ chăm sóc, chỉ mang khẩu trang thôi nhưng hầu như không thấy trẻ lây cho mẹ.
Khi trẻ mắc COVID-19, chu kỳ khỏi bệnh chỉ khoảng 3 – 5 – 7 ngày trong khi ở người lớn là 5 – 7 – 10 – 14 ngày. Triệu chứng mắc COVID-19 ở trẻ như nóng, ho, sổ mũi, sụt xịt thậm chí không có triệu chứng nào.
Khả năng lây bệnh ở trẻ cũng khó hơn và việc lây cho người khác cũng thấp hơn nhiều so với người lớn. Nguyên nhân được bác sĩ Khanh chỉ ra là do người lớn thường xuyên khạc nhổ, trẻ con thì lại có xu hướng nuốt vào. Ngoài ra, việc virus bám dính ở vòm họng của trẻ con rất ít, chủ yếu có trong đường ruột nên thường thải ra qua hệ thống ruột nhiều hơn là văng ra ngoài.
Với kinh nghiệm của mình, vị chuyên gia cho rằng trẻ con mắc COVID-19 thường bệnh nhẹ, chỉ đối tượng nguy cơ như béo phì hoặc có bệnh nền nặng như suy thận, suy gan giai đoạn cuối, chậm phát triển nặng, tim bẩm sinh nặng… mới dễ chuyển biến nặng, do đó phụ huynh đừng quá sức lo lắng khi trẻ là F0.
Trả lời câu hỏi của phụ huynh về tỉ lệ tử vong, bác sĩ Trương Công Khanh cho biết, trên thế giới ghi nhận tỉ lệ tử vong ở trẻ rất nhỏ, càng ít tuổi càng khó tử vong. Nếu so sánh COVID-19 ở trẻ em với các bệnh thường thấy như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng huyết… thì rất ít. Vì thế chúng ta đừng lo lắng quá về việc con nít mắc bệnh.
Để học sinh quay trở lại trường an toàn, bác sĩ khuyên rằng nên hướng dẫn cho trẻ chơi thành các nhóm nhỏ, không để lớp này sang lớp khác chơi để dễ dàng kiểm soát, truy vết nếu có ca F0. Hướng dẫn trẻ khi ra chơi, tan học, luôn rửa tay, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng… Các trường không cần xét nghiệm định kỳ nếu như không có biểu hiện hay ca F0 nào.
Vương Tâm