11/11/2021 11:28:22

Cần sớm giải quyết mâu thuẫn tại chung cư An Bình City

Mâu thuẫn tại chung cư An Bình City cần được cơ quan chức năng giải quyết sớm, tránh tạo bức xúc trong dư luận. Bởi hiện nay, vẫn có hai luồng dư luận, cho rằng Ban quản trị chung cư An Bình City tự ý quyết định nhiều vấn đề “sống còn” liên quan đến việc vận hành của chung cư. Ban quản trị khẳng định, phản ánh đó không đúng sự thật.

Tố Ban Quản trị lạm quyền

Theo phản ánh của người dân tại chung cư An Bình City, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, đối với các tòa nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành (QLVH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống của người dân. Thế nhưng, dù có vai trò quan trọng như vậy như khi thay đổi đơn vị QLVH, BQT chung cư An Bình City  đã không chờ đến hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến cư dân mà đã tự ý ký hợp đồng với một đơn vị khác.

Khu chung cư An Bình city

Tiếp đó, cuối tháng 8/2021, sau khi tự ý ký hợp đồng với đơn vị QLVH mới, BQT chung cư đã tự ý cho đơn vị này “mượn” phòng sinh hoạt cộng đồng khối nhà A6 làm văn phòng Ban quản lý tòa nhà gây bức xúc trong Nhân dân. Cũng theo những người dân nơi đây, sau khi phát hiện người dân đã phản ánh với UBND phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét giải quyết. Và, sau khi kiểm tra thực tế, UBND phường Cổ Nhuế 1 đã yêu cầu BQT phải ngay lập tức trả lại đúng mục đích, công năng của phòng sinh hoạt cộng đồng khối nhà A6.

Cũng trong tháng 8/2021, BQT đã tổ chức lấy ý kiến cư dân về kế hoạch bảo trì 6 tháng cuối năm 2021 với dự toán dự trù kinh phí gần 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo những người dân nơi đây, bản kế hoạch tuy rất dài (150 trang) nhưng theo cư dân phản ánh lại quá sơ sài, chưa đo lường được số lượng, giá vật tư thực tế so với thị trường, không rõ thời gian dự kiến thay thế, nhiều hạng mục vật tư có giá thay thế quá cao.

Ngoài ra, Ban kiếm soát chung cư An Bình City (tổ chức được thành lập để giám sát hoạt động của BQT) cũng chỉ ra những sai phạm của BQT tòa nhà như: Bãi nhiệm thành viên BQT sai quy định; tách hợp đồng cho khoản chi cùng 1 sự việc, cùng 1 thời điểm để không phải đấu thầu (với hạng mục bảo trì, sửa chữa, thay thế lớn hơn 50 triệu đồng); thanh toán cho nhà thầu khi không có hợp đồng gốc, không ký xác nhận các biên bản nghiệm thu hạng mục bảo trì, bảo dưỡng mà vẫn thanh toán trong điều kiện hồ sơ không hợp lệ… và đề nghị BQT làm rõ nhưng đến nay vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

Người dân phản ánh không đúng sự thật

Liên quan đến những phản ánh của người dân, ngày 22/10, BQT chung cư An Bình City đã có văn bản gửi UBND phường Cổ Nhuế 1 giải trình về một số nội dung có liên quan. Cụ thể, đối với việc BQT cho “mượn” nhà sinh hoạt cộng đồng A6, đại diện BQT tòa nhà An Bình City, ông Dương Đức Huấn cho rằng, sau khi lựa chọn được đơn vị QLVH mới, BQT đã thống nhất với đại diện cư dân khối nhà A6 để tạm thời sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng với mục đích họp bàn, lưu trữ hồ sơ nhà chung cư, trao đổi công việc là nhằm mục đích phục vụ cư dân nên những phản ánh trên là không chính xác.

Đối với phản ánh về việc đấu thầu lựa chọn đơn vị QLVH không qua Hội nghị nhà chung cư, tại văn bản gửi UBND phường Cổ Nhuế 1, ông Dương Đức Huấn cho rằng, BQT đã thực hiện theo Điều 13 của Quy chế hoạt động của BQT được cư dân thông qua tại hội nghị nhà chung cư, trong đó quy định rõ: “Ngay sau khi thành lập BQT, BQT phải có trách nhiệm tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mới”, đồng thời nhấn mạnh, đây là lựa chọn lại đơn vị QLVH không phải là thay thế.

Tương tự, đối với những sai phạm được chỉ ra trong báo cáo quý II/2021 do Ban kiểm soát chung cư, ông Dương Đức Huấn cho rằng, tất cả các khoản chi trên đều là các khoản chi khẩn cấp, không chi không được. Nếu không chi sẽ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của cư dân. Điều này được thực hiện theo các quy định tại khoảng 7, Điều 8 của quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bão trì tòa nhà chung cư An Bình.

Quy chế quản lý nhà chung cư không được đi ngược quy định của luật

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho hay, việc thay thế đơn vị QLVH là việc lớn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân sinh sống trong tòa nhà. Do đó, khi thay thế, BQT bắt buộc phải lấy ý kiến cư dân tại hội nghị nhà chung cư trước khi mở thầu và ký kết. “Nếu BQT tự đấu thầu và tự ký kết hợp đồng QLVH mà không thông qua cư dân là không hợp pháp và nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì lỗi thuộc về BQT” – một số chuyên gia nhấn mạnh.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, điểm d, khoản 1, Điều 104 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định rõ: Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì BQT nhà chung cư có quyền và trách nhiệm “Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 102, của Luật này”. Do đó, việc BQT nhà chung cư tự ý quyết định lựa chọn đơn vị QLVH là không đúng quy định pháp luật.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, BQT tại nhà chung cư dù được người dân thông qua, nhưng các quy định trong quy chế này cũng không được phép đi ngược lại với các Bộ Luật, Luật, Thông tư… do Nhà nước ban hành.

Theo Vân Nhi (Kinh tế & Đô thị)