Tại phiên thảo luận Quốc hội, từ đầu cầu TP.HCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, đợt dịch Covid-19 vừa qua có những lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được.
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác phòng, chống dịch Covid-19 .
Phát biểu tại đầu cầu TP.HCM , đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP.HCM) cho biết, đợt dịch vừa qua TP.HCM có hơn 400.000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong.
“Nếu không có sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài thì không biết hậu quả mất mát, đau thương, còn nặng nề đến mức nào”, bà Châu nói.
Thay mặt nhân dân TP.HCM , bà Châu gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, chí tình, chí nghĩa vừa qua để giúp thành phố vượt qua cơn đại dịch.
Tuy nhiên, trong báo cáo phòng chống dịch, báo cáo của Chính phủ năm 2021, phần giải pháp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, bà Châu chưa thấy đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức, vai trò của mỗi Bộ, ngành, đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu thấy được trách nhiệm của mình, chứ không phải “khó thì về địa phương; dễ, đúng quy định thì Trung ương làm”.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “chống dịch như chống giặc”, đại biểu Châu nói, không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó, trong khi địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp “nước sôi, lửa bỏng” như phòng chống dịch.
Bà đơn cử 1 ví dụ cụ thể, có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid -19 tại TP.HCM.
Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn Thực phẩm, Cục Thú y. Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý; còn Cục An toàn Thực phẩm nói “đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ”. Nhưng TP gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về Cục An toàn Thực phẩm trả lời.
Về vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã giải thích về phát biểu của đại biểu Tô Thị Bích Châu liên quan lô sữa cứu trợ gần một tháng chưa thể lấy ra.
Bà Nga cho biết trong công văn gửi đến Cục An toàn thực phẩm ngày 1/11, Mặt trận Tổ quốc TP HCM đề xuất tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có 9 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Lô hàng 22.000 hộp sữa viện trợ không thuộc diện được miễn kiểm tra, trừ khi Chính phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp.
Vì vậy, trong văn bản phúc đáp ngày 1/11, Cục đã hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc TP HCM gửi công văn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cho ý kiến trước khi làm thủ tục nhập khẩu. “Chúng tôi hiểu rõ các lô hàng cứu trợ như thế này người dân đang rất cần. Tuy nhiên, vì không có thẩm quyền quyết định nên Cục đã có văn bản hướng dẫn”, bà Nga nói.
Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiều tổ chức, cá nhân có thể viện trợ các mặt hàng thực phẩm, bà Nga cho hay Cục An toàn thực phẩm sẽ tham mưu Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng giao các đơn vị phối hợp với Tổng cục Hải quan xem xét hồ sơ, thông quan sớm nhất.
Vương Tâm