Năm 2021, những khó khăn của diễn biến dịch bệnh Covid-19 phổ rộng dù làm sản xuất và nhiều mặt đời sống khó khăn hơn nhưng không làm ngưng lại những tấm lòng, trách nhiệm sẻ chia và những truyền thống quý báu của dân tộc ta là “uống nước nhớ nguồn”.
Trong khó khăn của dịch bệnh, Hà Nội càng quan tâm chăm lo, đảm bảo chế độ chính sách cho người có công. Nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm tri ân những người có công với cách mạng đã được thành phố chú trọng triển khai. Hơn cả tình cảm và trách nhiệm, đó là truyền thống tri ân mà thành phố đã luôn vun đắp xây dựng và lan tỏa…
Trong dịch bệnh, càng nỗ lực chăm lo người có công
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 800.000 người có công, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, trong đó có hơn 86.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng… Để tri ân người có công, Hà Nội luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời, ban hành một số chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn.
Trong diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ đặc thù cho gần 73.000 người có công với số tiền gần 73 tỷ đồng (1 triệu đồng/đối tượng).
Để nguồn lực hỗ trợ kịp thời đến với người thụ hưởng, các địa phương đã xây dựng các phương án chi hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức – Nguyễn Đình Vui: “Dù trời mưa gió, chúng tôi vẫn cố gắng đến từng gia đình người có công để trao kinh phí cho người hưởng theo đúng chế độ của thành phố. Việc nhanh chóng, quan tâm đến từng gia đình giúp cho người có công yên tâm, tin tưởng vào các chính sách hơn rất nhiều trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Còn theo bà Nguyễn Phương Anh, Phó Chủ tịch UNBD phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, ngoài việc đảm bảo chính sách cho người có công, phường cũng thiết thực chăm lo từng việc nhỏ đến nhóm đối tượng này và gia đình họ như: Kết nối các tổ chức xã hội tặng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ưu tiên nhóm tiêm, thường xuyên cử cán bộ phụ trách đến hỏi thăm sức khỏe, hỗ trợ những vấn đề khác nếu gia đình người có công gặp khó khăn khi đi lại, thăm khám chữa bệnh…
Cùng với việc chi hỗ trợ, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm tri ân những người có công với cách mạng, như: Thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc người có công, tổ chức thực hiện tốt nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị cho con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Thành phố cũng vận động các cấp, ngành, đoàn thể, DN, các tổ chức kinh tế – xã hội và Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; tu bổ, nâng cấp chỉnh trang các công trình ghi công liệt sỹ (bia, đài, nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ…).
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh khẳng định: “Dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân của thành phố đối với những người có công với cách mạng và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ”.
Bồi đắp, lan tỏa truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”
Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động chăm sóc người có công mới được Hà Nội tập trung triển khai, mà trước nay, thành phố đều quan tâm dành nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng chính sách, trong đó có người có công.
Theo thống kê, 10 năm qua, Hà Nội đã xây dựng, sửa chữa hơn 13.500 nhà ở cho người có công, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, xây mới hơn 6.200 nhà, sửa chữa hơn 7.300 nhà. Từ chủ trương này, hàng chục nghìn đối tượng chính sách được sống trong những căn nhà mới khang trang, to đẹp hơn.
Không chỉ lo mái ấm cho người có công, trong những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tiễn, thành phố cũng thực hiện và giải quyết các chế độ, chính sách khác của Đảng và Nhà nước đối với người có công như: Chi trả trợ cấp đối với 13.388 thanh niên xung phong; chi trả trợ cấp hằng tháng cho 1.300 quân nhân xuất ngũ theo QĐ 142/2008/QĐ-TTg; chi trả trợ cấp hằng tháng đối với Công an nhân dân xuất ngũ theo QĐ 53/2010/QĐ-TTg cho hơn 200 người; giải quyết cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho gần 71.000 người; giải quyết chế độ một lần theo QĐ 57/2013QĐ-TTg cho 2.700 người; giải quyết chế độ trợ cấp và cấp thẻ bảo hiểm y tế theo QĐ 62/2011QĐ-TTg cho 82.000 người hưởng bảo hiểm y tế…
Hà Nội còn hỗ trợ, điều chỉnh nhiều chính sách theo hướng có lợi cho các đối tượng chính sách. Theo đó, chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm/lần được rút xuống thành 2 năm/lần. Mức phụng dưỡng đối với Mẹ Việt Nam anh hùng tăng từ 400.000 đồng/tháng lên 1 triệu đồng/tháng. Chế độ trợ cấp 1 lần/năm cho người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tham gia các Ban Liên lạc tù chính trị Hà Nội cũng được tăng từ 100.000 đồng lên 300.000 đồng và tới đây là 500.0000 đồng/người/năm. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho người có công với cách mạng di chuyển làm việc, sinh hoạt hằng ngày, đến nay thành phố đã cấp hơn 26.000 thẻ đi xe buýt miễn phí cho các đối tượng người có công.
Việc giải quyết hồ sơ liên quan đến người có công cũng được thành phố thực hiện bền bỉ, quyết liệt. Đến nay, 100% hồ sơ đề nghị công nhận người có công đều được thực hiện theo đúng quy định, nhanh gọn, kịp thời. Đáng chú ý, dù Hà Nội không còn hồ sơ nào cần giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH (ngày 20-3-2017) của Bộ LĐ-TB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, nhưng thành phố vẫn đề nghị Bộ cho phép giải quyết một số hồ sơ theo quyết định này.
Theo phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh: “Đến nay, Hà Nội cơ bản không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở hay phải sống trong cảnh nghèo”.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thành phố Hà Nội đã và sẽ luôn quan tâm, chăm sóc và tri ân người có công bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chăm lo tốt cả về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), chiều 19/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà tri ân một số gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại chuyến thăm, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm nay dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành LĐ-TB&XH các địa phương, trong đó có Hà Nội đã đẩy mạnh và thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng.
Bộ trưởng cũng đề nghị các sở, ban, ngành của Hà Nội, chính quyền địa phương chú trọng công tác an sinh xã hội, tiếp tục quan tâm chăm lo cho đời sống của gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thành phố ngày một tốt hơn.
Hải Yến