“Chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2021 đã bổ sung thêm chiều rất quan trọng là về việc làm, điều chỉnh nội hàm một số chiều cho phù hợp hơn. Về lâu dài, chuẩn nghèo đa chiều mới giúp chúng ta xác định hộ nghèo một cách toàn diện, chính xác hơn, tìm rõ hơn nguyên nhân nghèo, nhất là về việc làm và thu nhập. Từ đó có chính sách hỗ trợ sát thực hơn giúp người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, có cơ hội tự giải quyết được vấn đề nghèo đói, nâng cao đời sống gia đình mình”.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Lê Bình – Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Xin ông cho biết, so với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có những điểm mới nào nổi bật để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững cho người nghèo?
Chuẩn nghèo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ thông qua với 3 điểm mới so với giai đoạn 2016-2020 trước đó.
Thứ nhất, giai đoạn 2021-2025 chúng ta áp dụng 02 chuẩn nghèo khác nhau: năm 2021 cả nước tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020; giai đoạn 2022-2025 chúng ta sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới.
Thứ hai, chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 là lần đầu tiên sau gần 30 năm quy định chuẩn nghèo, tiêu chí thu nhập bằng với mức sống tối thiểu.
Thứ ba, ngoài việc điều chỉnh một số chiều dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp với thực tế, chuẩn nghèo mới bổ sung thêm 01 chiều quan trọng là chiều về việc làm.
Giai đoạn 2016-2020, đã có 6 địa phương quy định chuẩn nghèo ở địa phương mình cao hơn chuẩn nghèo do Chính phủ quy định. Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ khuyến khích các địa phương trên cơ sở nghiên cứu chuẩn nghèo phù hợp với mức sống tối thiểu, ban hành chuẩn nghèo địa phương cao hơn cao hơn chuẩn nghèo do Chính phủ quy định.
Chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung thêm tiêu chí về việc làm. Ông nhận định thế nào về vai trò của việc bổ sung tiêu chí việc làm trong chuẩn nghèo đa chiều mới?
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, xây dựng lực lượng lao động có tay nghề hiện nay đang được quan tâm chú trọng. Quan điểm của ông về mối liên hệ giữa phát triển giáo dục nghề nghiệp với tiêu chí về việc làm trong chuẩn nghèo đa chiều mới?
Chuẩn nghèo mới bổ sung thêm chiều về việc làm là một chiều rất quan trọng, vì việc làm phản ánh rõ nét thu nhập, điều kiện để bảo đảm người nghèo có khả năng ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Quy định thêm chiều việc làm là vừa cụ thể hóa việc bảo đảm quyền của công dân theo Hiến pháp, vừa là chiều đối chiếu với tiêu chí thu nhập của hộ gia đình. Từ đó cũng thấy rõ hơn nguyên nhân nghèo, sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá của người dân như thế nào.
Qua chiều này và các chiều liên quan khác, chẳng hạn như giáo dục (trong đó có giáo dục nghề nghiệp), giúp cho việc đo lường nghèo được chính xác hơn, cụ thể hơn. Chính phủ, các địa phương biết rõ hơn vì sao hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo, từ đó sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Chẳng hạn, đối với lao động thiếu việc làm, chưa qua giáo dục nghề nghiệp thì sẽ tập trung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp gắn với tìm kiếm việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm. Đối với lao động thiếu việc làm, đã qua giáo dục nghề nghiệp thì sẽ tập trung hơn cho nâng cao kiến thức, trình độ nghề nghiệp, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Vấn đề quan trọng cũng cần tập trung là hỗ trợ họ sự tự tin, lòng quyết tâm vươn lên để tìm việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm với thu nhập tốt, bền vững, giúp họ thực sự thoát nghèo bền vững.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ LĐ-TB&XH, với chuẩn nghèo mới, dự kiến năm 2022, cả nước sẽ có khoảng 10,83% hộ nghèo tương ứng với 2,4 triệu hộ dân. Với con số này, nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo sẽ được huy động, bố trí như thế nào thưa ông?
Theo quy định tại Nghị định số 07/2021 ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 195/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ thì trong năm 2021, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Chính phủ. Do đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước chỉ còn khoảng 2,75% nên ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách giảm nghèo trong năm 2021 sẽ không tăng, mà còn giảm.
Từ năm 2022, chúng ta mới bắt đầu áp dụng các chính sách giảm nghèo mới theo chuẩn nghèo mới như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý. Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với bộ ngành, các cơ quan rà soát, hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Nguồn lực bảo dảm thực hiện sẽ do Quốc hội, Chính phủ cân đối. Việc nâng chuẩn nghèo không làm gia tăng ngân sách thực hiện.
Về lâu dài, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, cần thực hiện đồng bộ, tổng thể các giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là phát triển kinh tế – xã hội để nâng cao đời sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng, đồng thời có thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo, cũng như các dự án, chương trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm nghèo. Chương trình tập trung nhiều hơn cho người nghèo, vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu mà Đảng, Quốc hội giao là tỷ lệ giảm nghèo đạt từ 1-1,5%/năm và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Chương trình với những mục tiêu bảo đảm phù hợp khả năng bố trí ngân sách, khả năng sẵn sàng của các địa phương và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới, việc nhận diện hộ nghèo sẽ toàn diện hơn, ông nhận định thế nào về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025?
Giai đoạn 2016-2020, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.Theo đó, nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là hơn 93.000 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đều đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,43%/năm, tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,43% (năm 2015) xuống còn 24% (năm 2020).
Việt Nam đã hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG’) về giảm nghèo. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, làm thay đổi diện mạo địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn. Các cấp, các ngành và người dân đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người dân thực hiện trên phạm vi cả nước với nhiều tấm gương, điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Mặc dù, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không đồng đều giữa các vùng. Tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn… Tuy nhiên, 5 năm thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 cho thấy, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là hướng đi đúng. Chính sách giảm nghèo đã phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo thông qua sự xuất hiện của một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung thêm chiều rất quan trọng là về việc làm, điều chỉnh nội hàm một số chiều cho phù hợp hơn. Về lâu dài, chuẩn nghèo đa chiều mới giúp chúng ta xác định hộ nghèo một cách toàn diện hơn, tìm rõ hơn nguyên nhân nghèo, nhất là về việc làm và thu nhập, để có chính sách hỗ trợ sát thực hơn giúp người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững, có cơ hội tự giải quyết được vấn đề nghèo đói, nâng cao đời sống gia đình mình.
Trân trọng cám ơn ông về nội dung cuộc trao đổi!
Hải An (thực hiện)