Những chuyến bay thẳng sang Mỹ đầu tiên của Bamboo Airways đang nhận được sự quan tâm đông đảo của xã hội. Chinh phục thị trường hàng không giàu tiềm năng nhưng cũng được nhận định là khó tính bậc nhất thế giới, Bamboo Airways cho thấy quyết tâm và bản lĩnh của mình trong hành trình định vị thương hiệu Việt trên bản đồ hàng không thế giới. Đồng thời góp sức tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.
Chinh phục thị trường hàng không khó tính bậc nhất
Đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mỹ được đánh giá giàu tiềm năng nhưng cũng là thị trường hàng không được xếp vào hạng khó tính bậc nhất thế giới.
Theo quy định của luật Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ, để có thể khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ tới Mỹ, các giấy phép của Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT), Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) được coi là 3 điều kiện quan trọng nhất.
Trong đó, công tác xin cấp phép TSA được ví như “hàng rào thủ tục” mang tính quyết định vì sự khắt khe và kỹ lưỡng đặc biệt của công đoạn này. Sự phê duyệt để cấp phép bay của TSA sẽ là bước đệm quan trọng tạo điều kiện cho FAA hoàn thiện các quy trình cuối cùng mang tính chất thủ tục.
Công tác xem xét đánh giá bao trùm toàn bộ các phương diện liên quan đến công tác chuẩn bị, thực hiện các chuyến bay, bao gồm nhưng không giới hạn bởi chương trình an ninh, tổ bay, kỹ thuật, điều phái bay, dịch vụ mặt đất, thông tin hành khách, hàng hóa,…
Bên cạnh việc các hãng bay cần phải được TSA phê chuẩn toàn bộ hệ thống để được bay tới Mỹ, các sân bay quốc tế tại Việt Nam cũng phải được TSA xác nhận đủ điều kiện về an ninh hàng không, cũng như khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho hãng bay Việt trên lãnh thổ Mỹ của các sân bay sở tại.
Bamboo Airways đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe này. Từ đầu tháng 5, Bamboo Airways đã thông báo về việc trở thành một trong những hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp slot bay thẳng tới Mỹ. 2 địa điểm đầu tiên được bay tới chính là San Francisco và Los Angeles.
Đạt được những thỏa thuận để trở thành hãng hàng không thứ hai của Việt Nam được cấp đường bay thẳng đến Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này giúp Bamboo Airway không chỉ vừa rút ngắn được thời gian bay do đó tiết giảm được chi phí, tiếp cận được với đối tượng khách hàng doanh thu cao, mà còn tăng khả năng cạnh tranh của hãng trong ngành hàng không nội địa và quốc tế.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways, “việc hãng được các cơ quan chức năng Mỹ và Việt Nam cấp phép, cấp slot bay thẳng đến các sân bay quốc tế lớn nhất nước này đã góp phần khẳng định năng lực điều hành, mức độ an toàn tuyệt đối và chất lượng dịch vụ của Bamboo Airways nói riêng và của hàng không Việt Nam nói chung sánh ngang chuẩn quốc tế”.
“Nếu sợ thì tôi đã không bay”
Trước dịch Covid-19, các chuyên gia đánh giá thị trường hàng không giữa Việt Nam và Mỹ là rất lớn, với khoảng 700.000 lượt khách đi lại mỗi năm trong khi chỉ cần khoảng 30.000 – 60.000 lượt khách/ năm là có thể tính đến việc mở đường bay. Tuy nhiên, đây cũng là đường bay cạnh tranh khốc liệt về việc đầu tư đội máy bay tầm xa phù hợp rất tốn kém.
Dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp đã liên tiếp giáng những đòn nặng nề xuống nền kinh tế – thế giới, trong đó có ngành hàng không. Những tên tuổi lớn trong ngành hàng không thế giới như Emirates (Dubai), Virgin Atlantic (Mỹ)… đều lao đao trong bão Covid. Nhiều đường bay quốc tế đóng băng…
Với hàng không Việt Nam, dịch Covid cũng khiến cho hành trình bay thẳng sang Mỹ vốn đã chông gai càng thêm nhiều gian nan, trở ngại. Nhưng khi được hỏi điều này có “sợ” không, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết kiên định: “Nếu sợ thì tôi đã không bay!”.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí, người đứng đầu hãng hàng không Bamboo “Con người tự cổ chí kim đã không bao giờ chịu đầu hàng trước thiên tai, dịch hoạ, hà cớ gì mà phải sợ hãi đến mức phải buông bỏ? Tôi tin dịch rồi sẽ qua đi, vắc-xin cũng đã bắt đầu có, nhu cầu đi lại trên toàn thế giới dù thế nào cũng vẫn rất lớn. Lò xo càng nén sẽ càng bật mạnh”.
Đại diện lãnh đạo Bamboo Airways cũng nhìn nhận, ngay cả trong bối cảnh bình thường, việc mở đường bay thẳng tới Mỹ cũng có thể gặp rủi ro, trong đó có việc không thể lấp đầy số ghế như kỳ vọng. Tuy nhiên, Chủ tịch Bamboo Airways cho biết, những khó khăn này đã được Bamboo Airways dự liệu và có phương án giải quyết.
Lý giải tại sao mở đường bay đi Mỹ khả thi và tiềm năng, theo ông Quyết, Việt Nam hiện nay đạt gần 100 triệu dân, việc các hãng hàng không trong nước chưa mở đường bay thẳng đã tạo cơ hội phục vụ khách cho các hãng hàng không nước ngoài. Trong giai đoạn đầu, Bamboo Airways sẽ bán vé giá thấp để khuyến mại và sau này, với mục tiêu đề ra bay an toàn, đúng giờ, sự chuyên nghiệp của phi công, tiếp viên,… Nếu thị trường ổn định hơn, giá vé có thể tăng nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn nhiều nếu so với giá vé của các hãng như Japan Airlines (1.600 USD), hay Cathay Pacific (1.300 USD). Hãng lên kế hoạch kinh doanh linh động để đạt hiệu quả, thay vì bay cả tháng (17 ngày) thì chỉ bay một tuần.
Với sự kiên định, tự tin, chủ động, năng động đó, Bamboo đã bay. Ngày 23/9 trở thành thời khắc đáng nhớ tàu bay Boeing 787-9 của Bamboo Airways với số đăng ký VN-A829 mang tên “Quy Nhon City” đã chính thức cất cánh lên đường tới Mỹ cùng 20 thành viên tổ bay và kỹ thuật. Sau hơn 13 giờ 36 phút bay không ngừng nghỉ, chuyến bay QH9149 đã hạ cánh an toàn tại sân bay San Francisco.
Việc “in dấu chân” trên sân bay San Francisco – một trong những phi trường sôi động nhất nước Mỹ được xem là dấu mốc quan trọng đối với Bamboo Airways cũng là thông tin được hàng triệu du khách mong chờ.
Trước đó, do không có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ, hành khách sẽ phải bay ít nhất là hai chuyến. Từ Việt Nam quá cảnh (transit) ra một nước quốc tế nào đó ở Châu Á (Nhật, Hàn, Trung Quốc, Singapore…), sau đó từ trạm trung chuyển quốc tế này, hành khách mới có chuyến bay đến Mỹ. Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3 – 5 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25 – 38 giờ.
Kết nối hàng không, hút “đại bàng” đầu tư
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều yếu tố đóng góp vào năng lực phát triển của một thành phố, bên cạnh hàng không. Tuy nhiên không thể phủ nhận tác động tràn mang lại từ khả năng kết nối trực tiếp với thế giới, hoặc thậm chí một vòng tuần hoàn: Kinh tế phát triển kéo thêm nhiều đường bay, càng nhiều đường bay càng thúc đẩy kinh tế phát triển.
“Khi có thêm một đường bay tầm xa, sẽ phát sinh nhu cầu mở mới nhiều đường bay khác kết nối một thành phố, cũng như gia tăng tổng lưu lượng hành khách”, Báo cáo Tăng trưởng tầm xa: Phát triển kinh tế trong mạng lưới liên kết hàng không toàn cầu nhận định.
Một nghiên cứu của Harvard gần đây cũng đưa ra nhận định, “sự dịch chuyển con người kéo theo sự dịch chuyển dòng vốn. Khả năng thiết lập sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau là một yếu tố quan trọng nâng đỡ khả năng thiết lập các dự án kinh doanh”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tin tưởng, hãng hàng không thực hiện “giấc mơ bay” đến Mỹ là sự dũng cảm, đáp ứng mong muốn của người dân Việt Nam.
Theo thống kê, lượng khách du lịch Việt Nam đến Mỹ đã tăng mạnh từ mức vài chục nghìn người/năm lên hơn 100 nghìn người vào năm 2018. Chiều ngược lại, tiềm năng gia tăng lượng du khách Mỹ vào Việt Nam cũng rất lớn. Năm 2017, có khoảng 6,8 triệu người Mỹ đến tham quan, du lịch các nước châu Á, nhưng mới chỉ có khoảng 5% trong số này đến Việt Nam.
Ngoài quan hệ thương mại giữa hai nước đang ngày càng mở rộng, mỗi năm có khoảng 30 nghìn du học sinh Việt Nam sang Mỹ du học, cùng hàng triệu Việt kiều thường xuyên qua lại thăm thân, đây chính là tiềm năng lớn để khai thác các chuyến bay sang Mỹ.
Lộ trình phát triển của Bamboo Airways đến các thị trường tiềm năng trên thế giới, trong đó có Mỹ mới chỉ bắt đầu. Nghĩ lớn, mục tiêu lớn nhưng Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cũng tâm niệm, trước mắt sẽ làm tốt, làm chỉn chu, cẩn trọng. Tin tưởng rằng với từng bước nhỏ chỉn chu, cẩn trọng như thế, tương lai không xa Bamboo Airways sẽ hoàn thành tốt những mục tiêu lớn hơn, khẳng định được thương hiệu Việt trên bản đồ hàng không thế giới. Đồng thời góp sức tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.
Hải Đăng