11/10/2021 3:05:42

Giáo dục nghề nghiệp: Hơn nửa thập kỷ đóng góp nguồn nhân lực kỹ năng cho phát triển đất nước

Đã hơn 50 năm kể từ khi thành lập đến nay (9/10/1969- 9/10/2021), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cho sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Trang sử vàng của sự nghiệp dạy nghề

Lịch sử nhân loại xa xưa, con người có thể chưa được học chữ, học văn hóa nhưng đã phải học nghề, phải biết lao động để tồn tại, phát triển.

Ở Việt Nam, dạy nghề có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với sự xuất hiện, tồn tại của nền văn minh lúa nước và các làng nghề truyền thống. Người Việt cổ xưa truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp để sản xuất, duy trì cuộc sống. Đó là các hình thức truyền nghề dưới dạng bắt chước tự nhiên thời tiền sử đến bắt chước có ý thức và truyền nghề theo phường, hội.

Đến cuối thế kỷ 19 đã hình thành tổ chức đào tạo chính quy tại một số trường dạy nghề như Trường kỹ nghệ thực hành tại Hà Nội (1898), Trường kỹ nghệ thực hành Huế (1889) và Trường Bá nghệ Sài Gòn (1889), Trường kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (1913).

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.

Sang đầu thế kỷ 20, những cơ sở dạy nghề đầu tiên được thành lập với nhiều loại hình khác nhau như: lớp dạy nghề tại xí nghiệp, trường nghề… Cho đến sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù chưa có điều kiện phát triển, nhưng dạy nghề đã kịp thời đào tạo đội ngũ công nhân, cán bộ quốc phòng, y tế, nông nghiệp, sư phạm… theo hình thức trường lớp nhỏ, ngắn hạn, phân tán trong chiến khu, vùng tự do, vừa làm vừa học, coi trọng thực hành, gắn với thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm chia làm hai miền. Ở miền Bắc ngành dạy nghề đã vươn lên nhanh chóng và có sự hỗ trợ có hiệu quả của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã đáp ứng cả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và thống nhất đất nước.

Do yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc và giải phóng miền Nam, ngày 9/10/1969 Chính phủ ban hành Nghị định số 200/CP về việc thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động. Đây là mốc lịch sử đánh dấu sự hình thành, phát triển lớn mạnh của ngành dạy nghề.

Cùng với sự phát triển của đất nước, Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật có những thay đổi về tên gọi, cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Ngày 27/11/2014, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật GDNN theo đó hình thành hệ thống GDNN gồm 3 trình độ đào tạo là Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp.

Ngày 03/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 76/2016/NQ-CP thống nhất giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN. Ngày 03/7/2017, Thủ trướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục GDNN thuộc Bộ LĐ-TB&XH, giúp Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quản lý hoạt động GDNN trong toàn quốc.

Mang đến cho xã hội nguồn nhân lực tinh hoa

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành dạy nghề đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc: Nhiều cơ sở dạy nghề đã phát triển nhanh chóng, có trường đã được Nhà nước tuyên dương là đơn vị anh hùng; các thế hệ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đã phát huy truyền thống, tiếp bước cha anh viết lên những trang sử vàng cho sự nghiệp dạy nghề trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn ngành đã được đẩy mạnh. Các hoạt động như Kỳ thi kỹ năng nghề các cấp (Quốc gia, ASEAN và thế giới), hội giảng nhà giáo, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm… đã trở thành hoạt động thường xuyên từ cơ sở dạy nghề đến toàn quốc và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đã có hàng ngàn nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc; hàng trăm giáo viên tiêu biểu được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi; nhiều cán bộ, giáo viên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó là những chuyên gia kỹ thuật, công nghệ đầu đàn, những công nhân lành nghề bậc cao; nhiều học sinh đã đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế; hàng triệu lao động qua đào tạo nghề đã và đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; trên các công trường, đồng ruộng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Hệ thống các quy định pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần phục hồi và ổn định thị trường lao động cho mục tiêu phát triển bền vững.

Những chương trình và hoạt động về phát triển kỹ năng cho người lao động đã tạo sức lan tỏa mạnh về giá trị, vai trò của kỹ năng lao động đối với cộng đồng doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội, góp phần đảm bảo việc làm bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam thịnh vượng

Nhân kỷ niệm 1 năm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. Trong Thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.

Đánh giá về tình hình phát triển GDNN giai đoạn vừa qua, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định GDNN có nhiều chuyển biến, qua đó đóng góp tích cực vào xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển kinh tế – xã hội của 1 quốc gia gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động đang trong giai đoạn dân số vàng. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng to lớn bởi đại dịch Covid-19 mà trực tiếp là thị trường lao động và việc làm của người lao động.

Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, chuỗi cung ứng lao động và hoạt động đào tạo do dịch bệnh gây ra đã tạo nhiều thách thức đối với người lao động ở trong cả giai đoạn ứng phó lẫn phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới thế giới việc làm và tạo ra các “khoảng trống” về kỹ năng. Điều đó đòi hỏi người lao động cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm bù đắp sự thiếu hụt về kỹ năng giúp người lao động ổn định, duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm.

GDNN trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục có sứ mệnh góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm và phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong từng giai đoạn. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về GDNN trong khu vực vào năm 2030 và bắt kịp trình độ các nước tiên tiến vào năm 2045”.

Mục tiêu là phát triển nhanh GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước.

Hải Yến