Ngày 14/7/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 806/QĐ-LĐTBXH về việc công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 đối với 19 nghề. Theo đó, nâng tổng số nghề có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được công bố đến nay là 199 nghề.
Trên cơ sở Tiêu chuẩn được công bố, các cơ sở GDNN sẽ có chương trình đào tạo phù hợp và giúp doanh nghiệp có căn cứ đánh giá, cơ sở tuyển dụng. Thay vì tuyển dụng dựa trên bằng cấp, doanh nghiệp có thể tuyển dụng trên kỹ năng.
Quyết định số 806/QĐ-LĐTBXH cho biết, có 6 nghề mới lần đầu tiên có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia mới là: Khai thác thủy sản biển, Giám sát thi công công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, Giúp việc gia đình, Chăm sóc da, Phay vạn năng, Vệ sinh lau dọn các công trình cao tầng.
13 nghề khác có tiêu chuẩn kỹ năng được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, bao gồm: Bảo vệ thực vật, Cốp pha – giàn giáo, Nề – hoàn thiện, Khoan đào đường hầm, Điện dân dụng, Hàn, Vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, May công nghiệp, Thiết kế Web, Thiết kế đồ họa, Lập trình máy tính, Cơ điện tử, Quản trị mạng máy tính.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề xác định rõ mức độ, kiến thức, kỹ năng người lao động cần biết và làm được cũng như cách thức thực hiện công việc của họ để có thể hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện và phù hợp để sử dụng tại doanh nghiệp trong việc sử dụng, đào tạo nâng cao năng lực của người lao động; tại cơ sở GDNN trong việc thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo…
Tiêu chuẩn kỹ năng nghề cũng thể hiện rõ các danh mục đơn vị năng lực của nghề gồm: các năng lực cơ bản (ứng xử, thích nghi nghề nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, an toàn lao động…); năng lực chung, năng lực chuyên môn… tương ứng với bậc trình độ kỹ năng nghề.
Mỗi một nghề sẽ có những kỹ năng, tiêu chuẩn khác nhau. Việc ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng cho từng nghề sẽ giúp doanh nghiệp có căn cứ đánh giá, cơ sở để tuyển dụng. Thay vì tuyển dụng dựa trên bằng cấp, doanh nghiệp có thể tuyển dụng trên kỹ năng… Đây là xu hướng mới tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Trong thời gian qua, Tổng cục GDNN đã và đang phối hợp với các bộ chủ trì tổ chức xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để trình Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành, công bố.
Theo các chuyên gia lao động việc làm, xu thế dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khiến nhu cầu về lao động có kỹ năng nghề sẽ tăng rất nhanh. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị nhanh chóng, kịp thời về nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Để làm được điều này cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề nhằm chuẩn hóa lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu, dịch bệnh cũng đang tác động mạnh mẽ đến thế giới việc làm. Đòi hỏi người lao động rất cần những kỹ năng, năng lực cơ bản, nền tảng để thích nghi và có sức đề kháng cao với những yếu tố bất định, bất ngờ, bất an, diễn biến nhanh chóng, khó dự đoán, khó dự báo của lĩnh vực việc làm.
Theo ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN), Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Trong đó, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khuyến khích việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng nghề. Vấn đề đặt ra cho công tác chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy tuyển dụng dựa trên năng lực nghề nghiệp thực tế thay vì dựa vào bằng cấp.
“Việc tuyển dụng dựa trên kỹ năng sẽ thay đổi nhận thức, xu hướng của xã hội về tư duy trọng trọng kỹ thuật thay cho trọng bằng cấp như hiện nay”, ông Nguyễn Chí Trường nhận định.
Đại diện nhiều cơ sở GDNN cũng cho rằng, với việc ban hành bộ tiêu chuẩn cơ bản như là kim chỉ nam để các trường lấy đó làm tiêu chuẩn cho việc đào tạo lao động.
Đánh giá cao vai trò của việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, bà Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II TP.HCM cho biết: “Hiện nay cũng có những thách thức lớn trong việc ứng dụng các năng lực cơ bản. Đầu tiên đó chính là thói quen lao động không cần kỹ năng, tiếp đó là nhận thức, tư duy và cách sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy sử dụng lao động phổ thông để trả lương thấp”.
Bà Hằng khẳng định, với việc ban hành được tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thì sẽ giảm thiểu những bất cập, tồn tại nêu trên. Đây cũng là cơ hội để tăng năng suất lao động, góp phần đưa Việt Nam tiến lên. Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với tiêu chuẩn của kỹ năng nghề, sẽ đưa ra chương trình, giải pháp cốt lõi trong đào tạo theo hướng đạt được mục tiêu về bộ tiêu chuẩn kỹ năng cơ bản đó.
Hải Yến