Bộ Y tế đã phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên với 10.000 lọ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong cơ chế bệnh sinh của nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta có thể chia làm 3 giai đoạn nối tiếp nhau, tăng dần theo mức độ nghiêm trọng bao gồm:
Giai đoạn I: Giai đoạn virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. Trong giai đoạn này các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên chiếm ưu thế.
Giai đoạn II: Là giai đoạn viêm không đặc hiệu, với các tác động của virus tại phổi.
Ở mỗi giai đoạn bệnh, chúng ta sẽ có thuốc điều trị bệnh khác nhau. Nếu ở giai đoạn I chúng ta sẽ ưu tiên sử dụng các thuốc kháng virus, thì đến giai đoạn II, III sẽ sử dụng các thuốc điều trị các hậu quả của virus xâm nhập vào cơ thể như chống đông máu, các thuốc điều hòa miễn dịch như corticoid, hay các thuốc ức chế IL-6 như tocilizumab…
Remdesivir là một tiền chất được chuyển đổi thành dạng hoạt chất Remdesivir Triphosphat trong cơ thể. Sau đó, Remdesivir Triphosphat hoạt động như một chất tương tự của Nucleotide Adenosine Triphosphate (ATP), thành phần quan trọng virus như SARS-CoV-2 cần để sao chép bộ mã di truyền.
Nếu Remdesivir Triphosphate được kết hợp vào RNA của virus thay vì ATP, chuỗi sẽ bị đứt và quá trình sao chép của virus bị dừng lại. Về cơ chế hoạt động, điều trị bằng Remdesivir đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng SARS-CoV-2.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh Remdesivir là thuốc ức chế virus, giúp giảm sự phân chia của nCoV trong tế bào người bệnh. Điều quan trọng để quyết định có sử dụng Remdesivir cho F0 hay không, các bác sĩ cần hỏi ngày khởi phát triệu chứng của người bệnh.
Từ ngày 0 đến ngày 10, virus phân chia mạnh, phác đồ điều trị cần có thuốc kháng virus để giảm số lượng nCoV. Sau đó, giai đoạn ngày 7-14, bão cytokine gây tổn thương phổi, xảy ra rất mạnh, người bệnh cần dùng thuốc điều hòa miễn dịch, ức chế IL6.
Hiện tại, chúng ta chưa có thuốc đặc trị cho Covid-19. Đến nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ mới phê duyệt đầy đủ cho thuốc Remdesivir dùng trong điều trị bệnh nhân Covid-19, và phê duyệt trong sử dụng khẩn cấp đối với REGEN-COV và baricitinib.
Remdesivir là loại thuốc đầu tiên – và duy nhất, tính đến nay – được FDA phê duyệt đầy đủ để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Remdesivir được sản xuất bởi công ty Gilead Sciences và được lưu hành dưới tên thương mại Verklury.
Tuy nhiên, theo 2 nghiên cứu công bố mới nhất hiện nay, việc sử dụng Remdesivir nên được chỉ định cho những bệnh nhân Covid-19 nặng có giảm SpO2 ≤ 94% và những bệnh nhân cần thở máy, ECMO (nhưng không nên bắt đầu thường quy ở nhóm bệnh nhân thở máy).
Không nên sử dụng Remdesivir cho những bệnh nhân có chức năng thận kém (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút) và những bệnh nhân có men gan alanine aminotransferase (ALT) cao gấp 5 lần giới hạn trên bình thường và những bệnh nhân có phản ứng quá mẫn cảm với thuốc, đối với phụ nữ có thai và cho con bú cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi điều trị với Remdesivir.
Sau cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên trên phạm vi toàn cầu vào tháng 2 năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận Remdesivir gần như không có hiệu quả đối với bệnh nhân phải nhập viện do Covid-19.
Tỷ lệ tử vong trong 29 ngày của toàn bộ bệnh nhân là khoảng 11,6% khi dùng thuốc và 15,4% khi dùng giả dược. Con số này chênh lệch không quá nhiều để cho thấy tác dụng của thuốc.
Chính vì thế, nhiều người nghi ngại về tác dụng của Remdesivir. Không ít người đặt câu hỏi vì sao nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn cho dùng loại thuốc này khi điều trị F0 dù không mang lại hiệu quả giảm người chết vì Covid-19.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu lý giải hai mục đích để ê-kíp chuyên gia Việt Nam vẫn sử dụng thuốc này đó là đẩy nhanh quá trình hồi phục, giảm thời gian nằm viện cho F0 và bớt áp lực cho các tầng điều trị.
Theo vị chuyên gia, tỷ lệ tử vong không liên quan nồng độ của virus có trong cơ thể. Nó liên quan phản ứng của cơ thể chống lại SARS-CoV-2.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng loại thuốc này có thể ngăn SARS-CoV-2 phân bào. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn cho thấy Remdesivir rút ngắn thời gian hồi phục của những người nhập viện vì Covid-19 từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Căn cứ trên dữ liệu này, từ tháng 5/2020, FDA đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp Remdesivir trong điều trị các bệnh nhân nguy kịch, cần thở oxy.
Một nghiên cứu khác phát hiện các bệnh nhân Covid-19 khỏe hơn sau năm ngày điều trị bằng Remdesivir. Vào tháng 8/2020, FDA cho phép sử dụng loại thuốc này để điều trị mọi F0, bất kể tình trạng bệnh.
Vì vậy, nếu các F0 nhanh chóng được xuất viện, áp lực lên các tầng điều trị cũng sẽ giảm bớt.
PV (t/h)