Nỗi sợ hãi lớn nhất về COVID-19 của Malaysia là trở thành một Ấn Độ thu nhỏ và thật không may, điều đó đã trở thành sự thật.
Số ca bệnh và thiệt mạng trong ngày tính trên đầu người của nước này đã vượt qua mức cao nhất ở Ấn Độ.
Vào cuối tháng 7, tỷ lệ người chết trong ngày/1 triệu người của Malaysia là 515,9 và số ca tử vong trong ngày/1 triệu người là 4,95. Ở thời điểm đỉnh dịch, các thông số này của Ấn Độ là 283,5 và 3,04.
Malaysia hiện cũng là nước có tỷ lệ mắc COVID-19/1 triệu người cao nhất châu Á và là một trong những quốc gia có tỷ lệ người chết/1 triệu người cao nhất châu lục.
Đây là điều nhiều người không ngờ tới khi Malaysia từng được coi là hình mẫu chống dịch.
Chỉ một năm trước, Malaysia ăn mừng khi số ca cộng đồng về mức 0 trong vài ngày. Thành tích này khiến họ nhận loạt lời khen từ các chuyên gia, học giả nước ngoài và các tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới. Hành động nhanh chóng của chính phủ trong việc triển khai các lệnh phong tỏa, đầu tư vào các cơ sở xét nghiệm và y tế, đẩy mạnh truy vết ca bệnh giúp tình hình dịch bệnh ở nước này khởi sắc so với nhiều nước ở Đông Nam Á.
Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah được vinh danh là một trong những quan chức y tế hàng đầu trong trận chiến chống lại COVID-19, cùng với Tiến sĩ Anthony Fauci của Mỹ và chuyên gia Ashley Bloomfield của New Zealand.
Tự tin với thành tích chống dịch, chính phủ Malaysia quyết định tổ chức cuộc bầu cử ở bang Sabah. Trong thời điểm vận động tranh cử, các hãng hàng không tăng tần suất bay để đưa đón các chính trị gia cùng những người ủng hộ trong và ngoài bang. 257 cuộc mít tinh gọi phiếu bầu được tổ chức. Nhiều trong số đó không đảm bảo giãn cách xã hội cũng như các quy tắc phòng dịch như đeo khẩu trang. Vào ngày bầu cử, 1,1 triệu cử tri tới các điểm bỏ phiếu. Nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra rằng 70% ca bệnh ở Sabah và ít nhất 64% các bang còn lại có liên quan tới cuộc bầu cử này.
Trong những tháng tiếp theo, khi số lượng ca bệnh tiếp tục tăng, chính phủ liên tục trấn an dân chúng rằng “tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát”. Người dân vẫn có thể đi lại giữa các bang. Tới tháng 12, các hạn chế được nới lỏng dù số nhiễm tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 tháng.
Tới tháng 1, các chuyên y tế viết một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin về thảm họa sắp xảy ra tại các bệnh viện nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Nhưng chính phủ Malaysia không có quá nhiều hành động. Tới tháng 6, lệnh phong tỏa toàn quốc được ban hành nhưng đến hiện tại, quốc gia với khoảng 32 triệu dân có tới gần 1 triệu ca bệnh. Tuy nhiên, nguyên Phó Tổng Thư ký Bộ Y tế nước này Lockman Hakim dự tính, con số thực tế có thể cao ít nhất gấp 4-5 lần con số công bố.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế Malaysia đã quá tải trong khi nhân viên y tế làm việc đến kiệt sức phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng theo cấp số nhân số người nhập viện do mắc COVID-19. Các bác sĩ đã thông báo rằng có những gia đình cùng nhau nhập viện và một số đã tử vong cùng nhau. Các tình nguyện viên đã xử lý nhiều thi thể hơn gấp 30 lần so với năm ngoái. Một nhân viên y tế tuyến đầu chia sẻ với tờ Malaysiakini (Malaysia): “Hiện giờ, tôi không còn cảm xúc, quá nhiều trường hợp tử vong khiến bạn trở nên tê liệt”.
Al Jazeera đánh giá chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin bao gồm các bộ trưởng từ những đảng khác nhau vốn là đối thủ chính trị do vậy trong công việc chung họ có phần thiếu tin tưởng và không hợp tác. Mâu thuẫn giữa đảng BERSATU của Thủ tướng Muhyiddin Yassin và đảng lớn nhất trong chính phủ UMNO dẫn đến các quyết sách trái ngược và chính sách gây bối rối.
Ngoài ra, có một số vụ việc liên quan đến quan chức không làm gương tuân thủ quy định giãn cách như tránh cách ly sau khi trở về từ nước ngoài, bộ trưởng đi ăn tại nhà hàng khi không được phép… khiến dư luận nổi giận và nhiều người dân quyết định không tuân theo quy định kiềm chế dịch COVID-19. Đã có hàng trăm người biểu tình đổ ra các con phố yêu cầu Thủ tướng Muhyiddin Yassin phải từ chức.
Trong khi đó, nhiều thông tin không khả quan xuất hiện. Bản thân Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng cho rằng nhóm 40% người nghèo trong xã hội Malaysia, còn gọi là B40, nay đã mở rộng thành B50. Lương trung bình tại quốc gia này cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010. Số trường hợp tự tử tăng mạnh, hàng triệu người không có việc làm và mắc kẹt ở nhà với số tiền tiết kiệm ít ỏi.
Người dân đã quyết định ra tay để hỗ trợ cộng đồng, họ tự tạo nên các ngân hàng thực phẩm để giúp đỡ người khó khăn. Chủ một cửa hàng tạp hóa tại Johor Bahru đã mở ngân hàng thực phẩm tạm. Nhiều người đã đến để lấy hàng hóa cần thiết. Và bà nhận ra điều đặc biệt là có nhiều người đã âm thầm đến ủng hộ thêm hàng hóa cho ngân hàn thực phẩm này. Câu chuyện này là một trong nhiều câu chuyện cho thấy sức mạnh của người dân Malaysia với tinh thần cộng đồng.
PV (t/h)