Hội đồng Hành chính Quốc gia Myanmar đã thông báo thành lập chính phủ lâm thời do Thống tướng Min Aung Hlaing làm Thủ tướng.
Ông Min Aung Hlaing trước đó làm chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) do quân đội hậu thuẫn – điều hành Myanmar kể từ sau chính biến 1/2. Chính phủ mới thành lập sẽ thay thế tổ chức này.
“Để thực hiện các nhiệm vụ của đất nước nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả, hội đồng hành chính nhà nước đã được cải tổ thành chính phủ lâm thời Myanmar”, kênh truyền hình nhà nước Myawaddy cho biết.
Chính phủ tạm quyền gồm các bộ trưởng liên bang, tổng chưởng lý liên bang, thư ký thường trực của Văn phòng chính phủ tạm quyền.
Trước đó, cùng ngày, trong bài phát biểu qua truyền hình, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing cho biết, Hội đồng hành chính quốc gia do quân đội điều hành sẽ tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 2 năm nữa.
Tình trạng này được thiết lập sau khi quân đội đảo chính, lên nắm quyền hồi tháng 2.
Lãnh đạo quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử đa đảng vào năm 2023.
Ngày hôm nay (2/8), các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ họp bàn, chọn ra một đặc phái viên có nhiệm vụ kêu gọi chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền quân sự Myanmar và phe đối lập.
Thống tướng Min Aung Hlaing một lần nữa cam kết tổ chức bầu cử đa đảng và nhấn mạnh chính phủ sẵn sàng làm việc với bất kỳ đặc phái viên nào từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
“Chúng tôi sẽ hoàn thành các điều khoản của tình trạng khẩn cấp vào tháng 8/2023… Tôi cam kết sẽ tổ chức thành công các cuộc bầu cử đa đảng”, ông Min Aung Hlaing nói trong bài phát biểu trên truyền hình
“Myanmar sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, bao gồm đối thoại với đặc phái viên ASEAN tại Myanmar”, ông Min Aung Hlaing nói thêm.
Myanmar rơi vào bất ổn, biểu tình liên miên kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính, lật đổ chính quyền do đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) đứng đầu.
Quân đội, cảnh sát đã được huy động, trấn áp các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Tính đến thời điểm này, có ít nhất 940 người thiệt mạng và hơn 5.400 người khác bị bắt giữ trong khi biểu tình.
Quân đội giành chính quyền sau khi cáo buộc cuộc bầu cử mà đảng cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng là gian lận. Quân đội Myanmar cũng tuyên bố việc tiếp quản của của mình phù hợp với hiến pháp. Tuy nhiên ủy ban bầu cử đã bác bỏ các cáo buộc gian lận.
Sau chính biến, bà Suu Kyi, 75 tuổi, bị cáo buộc nhiều tội danh. Phiên tòa xét xử bà về tội sở hữu bất hợp pháp bộ đàm và phá vỡ các quy định chống dịch COVID-19 dự kiến sẽ được tiếp tục vào 2/8.
PV (t/h)