01/07/2021 9:56:58

Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp: Lan tỏa nông nghiệp hữu cơ đến cộng đồng

Nông nghiệp hữu cơ là một trong các môn học của chương trình đào tạo ngành bảo vệ thực vật tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp (CĐCĐ). Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Nhà trường mong muốn từ môn học nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp học sinh, sinh viên thích ứng với nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững trong xu hướng hiện nay.

Đào tạo nhân lực cho nông nghiệp sạch

Kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững của học sinh, sinh viên giúp tăng thêm mục tiêu hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong lĩnh vực này.

Trong năm 2020, trường CĐCĐ Đồng Tháp đã tham gia dự ánPhát triển nông nghiệp hữu cơ” do tổ chức Seed to Table – Nhật Bản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp thực hiện với mục tiêu là tiếp cận và phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua thực hiện dự án, nhà trường đã tiếp nhận vườn rau 500 m2 và 500 mnhà màng,  bước đầu giảng dạy sinh viên trồng rau hữu cơ; Tổ chức khóa tập huấn ToT về Nông nghệp hữu cơ cho giảng viên và cán bộ nông nghiệp, đại diện các hợp tác xã nông nghiệp tại các huyện. Trường CĐCĐ Đồng Tháp phối hợp cùng tổ chứa ASSIST tổ chức khóa đào tạo về Tiêu chuẩn đảm bảo trang trại cơ bản của GLOBAL G.A.P về rau và trái cây cho giảng viên và sinh viên trường.

Vườn rau hữu cơ tại Trường CĐCĐ Đồng Tháp (phóng sự của Đài PTTH Đồng Tháp)

Các hoạt động dạy, thực hành, thực tập của môn học giúp tạo sức lan toả nông nghiệp hữu cơ trong nhà trường, vào cộng đồng của tỉnh nông nghiệp Đồng Tháp. Đặc biệt, tạo nên Trường học nông dân” để tổ chức các hoạt động tập huấn kiến thức, chuyển giao công nghệ, phát triển nông nghiệp hữu cơ lan toả đến các hội quán, hợp tác xã, nông dân, và cả học sinh các trường phổ thông trong tỉnh.

  Với thế mạnh về nông nghiệp, Trường đã tham gia sâu, rộng vào các hoạt động như chương trình “Về làng – Xuống phố”; tư vấn OCOP; tổ chức truyền nghề, cấy nghề, thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương trong Tỉnh góp phần phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gắn với nguồn nguyên liệu địa phương; thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt, tới đây nhà trường sẽ xây dựng đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp”, tập trung vào hỗ trợ các mô hình quản trị, mô hình sản xuất chuỗi giá trị theo từng modul, hỗ trợ công nghệ thông tin trong nông nghiệp, tham vấn cho các hội viên của các Hội quán, Hợp tác xã tham gia đầu tư, khai thác lĩnh vực du lịch nông nghiệp.

Trong những năm tiếp theo, Nhà trường sẽ mở ra mô hình đào tạo trình độ trung cấp giúp  học sinh có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước, đảm bảo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp, góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở hiệu quả. Đồng thời, đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên của trường sẽ tổ chức truyền nghề, cấy nghề tại các địa phương có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gắn với nguồn nguyên liệu địa phương.

Triển vọng việc làm cho HS tốt nghiệp THCS học nghề nông nghiệp hữu cơ

Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia chương trình này hứa hẹn triển vọng lớn. Chương trình trung cấp có thể đi vào lao động, có cơ hội liên thông lên cao đẳng; đảm bảo kiến thức về văn hóa, chuyên môn và ngoại ngữ. Cụ thể: Về văn hóa, được học chương trình THPT hệ GDTX; được đăng ký dự tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng trong nước. Về chuyên môn, đảm bảo kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo trong đó (kỹ thuật nông nghiệp đặc định số 1) để làm việc cho các doanh nghiệp nông nghiệp tại Nhật Bản, Việt Nam và các nước. Về ngoại ngữ: được cấp chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4, hoặc ngoại ngữ khác ở trình độ tương đương để cung cấp lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp nông nghiệp tại Nhật Bản.

Sinh viên kiểm tra bẫy côn trùng (phóng sự của Đài PTTH Đồng Tháp)

Về cơ sở vật chất, Nhà trường tiếp tục sử dụng cơ sở vật chất hiện có và Vườn Rau hữu cơ do Tổ chức Seed to Table tài trợ, và có bổ sung thêm hạng mục đặc thù nông nghiệp hữu cơ.  Mở rộng, xây mới nhà lưới phục giảng dạy, thực tập, nghiên cứu cho học sinh – sinh viên lĩnh vực nông nghiệp của trường.

Về chương trình đào tạo, Nhà trường thực hiện chương trình đào tạo nghề nghiệp theo chương trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; biên soạn lại theo Khung chương trình đào tạo trình độ nghề cấp 3 Nông nghiệp của Nhật Bản; và kiến thức nông nghiệp của Nhật Bản. Chương trình đào tạo văn hóa: thực hiện theo chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Chương trình đào tạo tiếng Nhật: theo khung chương trình đào tạo trình độ N4 tiếng Nhật; hoặc ngoại ngữ khác ở trình độ tương đương.

Về định hướng đầu ra, sau khi tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp hữu cơ, tốt nghiệp THPT, có kiến thức nông nghiệp của Nhật Bản, và có chứng chỉ tiếng Nhật N4, các em có đủ điều kiện đi làm, hoặc đăng ký học đại học tại Nhật Bản; hoặc học tiếp cao đẳng, đại học, đi làm tại Việt Nam./.

                         Phạm Quang Huy

                                Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Đồng Tháp